ClockChủ Nhật, 14/10/2018 07:34

Quy mô nền kinh tế nhìn từ bức tranh tín dụng

TTH - Bức tranh tín dụng có quan hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế và một số lĩnh vực xã hội. Dư nợ tín dụng sẽ cho thấy “độ mở” của nền kinh tế như thế nào. Hay nói cách khác là nền kinh tế ấy có khả năng hấp thụ một nguồn vốn lớn hay nhỏ. Thường dư nợ càng lớn, độ mở của nền kinh tế càng rộng (ở đây có xét đến yếu tố nợ xấu ở mức qui định).

Một phần của bức tranh tiêu dùngVEPR: Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 6,8% năm 2018Tăng trưởng ngành nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam

Thêm nhiều “cái bắt tay” giữa tổ chức tín dụng, DN sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển

Chúng ta thử xem xét bức tranh tín dụng của Thừa Thiên Huế hiện nay đang ở mức nào; đặt nó trong tương quan so sánh với một số tỉnh để có cái nhìn rõ hơn.

Mức tăng trưởng dư nợ chừng 10% (tính đến cuối tháng 9 năm 2018 so với đầu năm) không phải là con số quá nhỏ, song nếu so sánh với một số tỉnh khác, chúng ta sẽ thấy mức tăng trưởng này là còn “khiêm tốn”. Ví dụ như cùng thời gian này, tỉnh Quảng Bình có mức tăng trưởng đến 17,8% và tăng đến 21,5% so cùng kỳ năm trước. Tỉnh Bình Định có mức tăng gần 11% so với cùng kỳ; tỉnh Khánh Hòa tăng gần 11%. Riêng TP. Đà Nẵng, tính đến hết tháng 6 năm 2018 đã có mức tăng “khủng” 23,8%.

Quy mô dư nợ tín dụng ở một số tỉnh vùng Trung Trung bộ cũng rất lớn. Dẫn đầu là Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 6/2018 ước đạt 130.500 tỷ đồng. Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 7 đạt 74.107 tỷ đồng. Bình Định 66.130 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 7. Quảng Ngãi 62.500 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6. Quảng Bình 46.100 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9. Điều đáng băn khoăn là tính con số tuyệt đối, tức là quy mô tín dụng, tổng dư nợ của các tỉnh nói trên đều hơn Thừa Thiên Huế. Có nhiều tỉnh qui mô tín dụng vượt hơn rất xa.

Nhìn từ bức tranh tín dụng, chúng ta có thể tạm rút ra một số vấn đề như sau về kinh tế Thừa Thiên Huế:

Rất có thể sức hấp thụ tín dụng của kinh tế Thừa Thiên Huế còn hạn chế. Nguồn tín dụng “đi vào” cao nhất là doanh nghiệp nhưng nhìn thấy quy mô hấp thụ tín dụng như thế, nghĩa là các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế phát triển chậm hơn nhiều tỉnh khác.

Mức tăng trưởng dư nợ của tỉnh chưa cao 

Chưa có những số liệu thống kê tín dụng cụ thể ở từng lĩnh vực được rót vào như thế nào, nhưng nhìn chung về dư nợ, có thể thấy các tỉnh ở vùng Trung Trung bộ đã có sự cạnh tranh gay gắt về phát triển. Chúng ta phải tìm hiểu, phân tích rất cụ thể về quy mô tín dụng ở các lĩnh vực mà Thừa Thiên Huế có thế mạnh để có giải pháp định hướng phát triển phù hợp. Ví dụ như lĩnh vực du lịch, đây là một lĩnh vực được đánh giá có thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, không phải chỉ một mình Thừa Thiên Huế mà nó cũng là lĩnh vực có thể mạnh ở nhiều tỉnh vùng Trung Trung bộ; và một số tỉnh được đánh giá là điểm đến mới... Nếu như các tỉnh có một lượng tín dụng rót vào lĩnh vực du lịch nhiều hơn, nghĩa là nhiều tỉnh đã có sự bứt phá về du lịch. Nhìn thấy rõ vấn đề như vậy thì chúng ta mới có giải pháp phù hợp cho phát triển du lịch. Chúng ta nên phát triển trong thế cạnh tranh “đối đầu” hay là tìm sự khác biệt. Chúng ta xây dựng một vùng du lịch cạnh tranh trong ngắn hạn hay là nhìn sự phát triển bền vững trong trung hạn và dài hạn. Nói gì thì nói, một khi đã đặt trong thế cạnh tranh, muốn chiến thắng phải tạo ra được sự khác biệt.

Lần tìm vài con số về du khách đến các tỉnh, người viết bài này cũng thấy “sốt ruột” cho du lịch Thừa Thiên Huế. Ví dụ như hai tỉnh được cho là “điểm đến mới nổi” là Quảng Bình và Bịnh Định thì hai tỉnh này đã có sự tăng trưởng về lượng khách rất lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Quảng Bình đã đón 3 triệu lượt khách; Đà Nẵng đón hơn 4 triệu lượt khách chỉ trong 6 tháng; Bình Định đón hơn 3,4 triệu lượt khách...

Đề cập đến những vấn đề nói trên không phải là chúng ta “bi quan” về sự phát triển mà mục đích là nhìn thấy rõ hơn sự phát triển trong thế cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để rồi chúng ta có giải pháp phù hợp cho sự phát triển bền vững.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top