ClockThứ Bảy, 19/08/2017 05:56

Sáng tạo, cùng cả nước khởi nghĩa thắng lợi

TTH - Trên bản đồ chính trị Việt Nam năm 1945, Thừa Thiên Huế có vị trí đặc biệt. Nơi đây vừa là kinh đô của chính quyền phong kiến đã 143 năm (từ năm 1802), vừa là thủ phủ của chính phủ Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan chỉ huy của quân đội Nhật. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở đây như một biểu tượng thắng lợi không chỉ của Thừa Thiên Huế mà còn mang nhiều ý nghĩa rộng lớn khác.

Cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là trang sử vàng của dân tộc (Trong ảnh: Nhân nhân Hà Nội chiếm Bắc Bộ Phủ (tháng 8/1945). Ảnh: TL

Chọn Phú Lộc để phát động khởi nghĩa

Sau khi nhận tin Nhật đầu hàng Ðồng minh, ngày 15/8/1945, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhanh chóng đưa ra quyết định chọn huyện Phú Lộc để phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa ở Phú Lộc vừa có tác dụng thăm dò phản ứng của Nhật và triều đình Bảo Đại, vừa rút được kinh nghiệm cho các huyện khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành khởi nghĩa ở trung tâm thành phố. Chủ trương này thể hiện tính đúng đắn và sáng tạo.

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế có nhiều nét tương đồng như ở các thành phố lớn khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn - khởi nghĩa cùng lan từ ngoại thành vào nội thành. Hình thái khởi nghĩa này phần lớn nổ ra trong những ngày đầu tổng khởi nghĩa tại các tỉnh lỵ, các trung tâm đầu não lớn, nơi lực lượng địch vẫn còn mạnh.

Các đô thị lớn là những nơi tập trung lực lượng vũ trang cùng với nhiều tổ chức đảng phái tay sai khác cũng đang âm mưu nắm chính quyền. Trong tình thế đó, Ủy ban khởi nghĩa ở các địa phương đã quyết định khởi nghĩa ở cấp xã, huyện trước. Các cuộc khởi nghĩa trước ở vùng ngoại vi vừa có tác dụng tập dượt, chuẩn bị lực lượng, đồng thời thăm dò phản ứng của địch. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi ở địa phương sẽ huy động lực lượng tập trung bao vây cô lập địch ở thị xã, tỉnh lỵ, và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền tại trung tâm đầu não. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở các phủ, huyện cấp cơ sở làm cho địch ở các thị xã, tỉnh lỵ, thành phố thêm hoang mang, bị cô lập hơn nữa, chính quyền địch càng suy yếu và lung lay trước áp lực cách mạng. Về phía ta, lực lượng cách mạng được huy động và tập trung được khí thế thắng lợi cổ vũ, đã có sức mạnh áp đảo, giảm tối đa sự phản kháng của địch, tạo điều kiện cho khởi nghĩa ở các thị xã, tỉnh lỵ, thành phố, tại các trung tâm đầu não thắng lợi nhanh chóng dù lực lượng của địch ở đây còn tương đối mạnh.

Các huyện, xã ngoại  thành sau khi khởi nghĩa thắng lợi đã huy động lực lượng quần chúng rầm rộ kéo vào trung tâm thành phố cùng với lực lượng ở đây đã khiến kẻ thù không dám chống cự. Các cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở các thành phố lớn, trung tâm đầu não của địch lại có vai trò gây “phản ứng sụp đổ dây chuyền” ở cấp cao hơn, quyết định thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng giải phóng toàn dân tộc. Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có vai trò quan trọng quyết định thắng lợi của Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Thắng lợi trọn vẹn

Ngày 18/8/1945, Phú Lộc giành chính quyền thắng lợi. Chỉ vài ngày sau, từ ngày 18 đến ngày 22/8/1945, nhiều huyện khác (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Phú Vang...) cũng nổi dậy thắng lợi.

Tại TP. Huế, không đợi đến khi giành chính quyền ở trung tâm thành phố, từ chiều ngày 21/8, cờ đỏ sao vàng được hai đội viên Thanh niên tiền tuyến Nguyễn Thế Lương (Cao Pha) và Đặng Văn Việt kéo lên đã tung bay trên kỳ đài trước Ngọ môn càng làm tăng thêm không khí phấn khích cách mạng đang lan nhanh khắp kinh thành.

Không có một sự chống đối nào diễn ra. Lá cờ đỏ sao vàng này còn một lần nữa được trang trọng kéo lên chiều ngày 30/8 trong lễ đoàn đại biểu của Chính phủ lâm thời tiếp nhận thoái vị của "Hoàng đế Bảo Đại" để trở thành “công dân Vĩnh Thụy” của chính thể Dân chủ Cộng hòa - sự kiện đặt dấu chấm dứt hoàn toàn của chế độ quân chủ ngàn năm.

Trên Kỳ đài, cùng với bản nhạc "Tiến quân ca" hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên, bay giữa trời Huế trong tiếng khẩu hiệu hô vang của cả vạn người: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế đã thắng lợi trọn vẹn. Thắng lợi trọn vẹn của Nhân dân Thừa Thiên Huế trong mùa thu cách mạng 1945 không đến một cách tình cờ, ngẫu nhiên. Để có được thắng lợi, lực lượng cách mạng ở đây đã được xây dựng trong suốt cả một quá trình với sự góp sức của nhiều tầng lớp xã hội, cả của những người trong hoàng tộc, cả của những người tiến bộ trong Chính phủ Trần Trọng Kim v.v…, tất cả đều ủng hộ trên cơ sở thấy rõ sức mạnh và tính chính đáng của Mặt trận Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho toàn dân tộc.  Cuộc xây dựng lực lượng cách mạng ở Thừa Thiên Huế còn mang những nét độc đáo đặc sắc với lực lượng "Thanh niên tiền tuyến" trong “tương kế tựu kế” với Nhật để các đội viên thanh niên đầy nhiệt huyết trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các công việc quan trọng của cuộc khởi nghĩa.

Thừa Thiên Huế đã góp sức không nhỏ cùng cả nước bằng thắng lợi khởi nghĩa trọn vẹn của mình. Dù Lệnh Tổng khởi nghĩa chưa tới nhưng Ban chỉ huy khởi nghĩa ở Thừa Thiên Huế đã kịp thời nhạy bén, sáng tạo phát động Nhân dân khởi nghĩa và giành chính quyền thành công.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế hòa cùng thắng lợi chung của cuộc cách mạng vĩ đại của cả dân tộc mùa thu 1945 đã để lại những kinh nghiệm lịch sử sâu sắc và còn mang ý nghĩa thời đại. Đó là bài học sáng tạo trong thực tiễn, đồng thời không ngừng củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực; nhạy bén nắm bắt, chọn đúng thời cơ và ứng phó kịp thời với các diễn biến mới của tình hình.

 TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG BÌNH GIÃ (2/12/1964 – 2/12/2024)
Mãi mãi là mốc son

Cùng với thắng lợi của các chiến dịch Ba Gia, Đồng Xoài trong Đông Xuân 1964-1965, chiến thắng Bình Giã đã giúp quân và dân ta củng cố phương châm “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, tạo thế và lực vươn lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân lịch sử 1975.

Mãi mãi là mốc son
Return to top