ClockThứ Ba, 17/12/2024 06:39

Sáp nhập huyện Nam Đông - Phú Lộc: Đoàn kết, đồng thuận

TTH - Trong niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai huyện Phú Lộc và Nam Đông khẩn trương thực hiện quy trình sáp nhập huyện theo NQ số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự đoàn kết, đồng thuận là yếu tố tạo nên thành công cho nhiệm vụ này.

Đảm bảo thông suốt, ổn địnhSắp xếp lại đơn vị hành chính: Có thể tiếp tục sử dụng căn cước công dân đã cấpGấp rút triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Huế trực thuộc Trung ương

 Thị trấn Lăng Cô - một bên đầm Lập An và một bên là biển

Khẩn trương

Theo NQ 1314/NQ-UBTVQH15 (ngày 30/11/2024) về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025, sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 647,82km2, quy mô dân số là 26.427 người của huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc. Sau khi sáp nhập, huyện Phú Lộc có diện tích tự nhiên là 1.368,23km2 và quy mô dân số là 180.606 người.

Ông Lưu Đức Hoàn, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc cho biết, NQ 1314 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nên mọi yêu cầu đều cần phải tập trung khẩn trương và đạt hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh và các cấp có thẩm quyền, lãnh đạo 2 huyện đã ngồi lại, cùng đoàn kết, tập trung giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Về công tác tổ chức bộ máy, hai huyện Phú Lộc và Nam Đông tiến hành phối hợp xây dựng 4 đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: Đề án thành lập các phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND huyện; Đề án thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện; Đề án thành lập các ban, Văn phòng, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp huyện; Đề án thành lập các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy.

 Hạ tầng giao thông ở thị trấn Phú Lộc

Bà Trần Thị Hoài Trâm, Bí thư Huyện ủy Nam Đông cho biết, về hoạt động cơ quan, đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện sáp nhập, lãnh đạo huyện chỉ đạo cơ quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ trong năm để tiến hành bàn giao khi sáp nhập huyện mới.

Một trong những vấn đề được xem là điểm khó trong việc sáp nhập huyện đó là công tác cán bộ. Theo lãnh đạo Huyện ủy Nam Đông, huyện Phú Lộc sau khi sáp nhập sẽ có tổng biên chế 371 cán bộ, công chức, viên chức, tăng 177 so với biên chế năm 2024 được giao cho huyện Phú Lộc (trước khi sáp nhập). Lãnh đạo 2 huyện chỉ đạo cho Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ 2 huyện khẩn trương tiến hành phối hợp xây dựng các phương án đề xuất sắp xếp bộ máy tổ chức của huyện mới sau khi sáp nhập.

Để giảm áp lực cho công tác sắp xếp cán bộ, tính đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo huyện Nam Đông tạo điều kiện cho một số cán bộ chuyển công tác đến các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng (2 người); đã chuyển 9 cán bộ, công chức, viên chức về công tác tại các xã (5 người), về các đơn vị sự nghiệp giáo dục (4 người), xem xét đề xuất nguyện vọng chuyển công tác tại các quận sau khi sáp nhập… Đối với công tác sắp xếp bố trí nhân sự, lãnh đạo 2 huyện cũng chỉ đạo phối hợp rà soát, tham mưu đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, con số dôi dư sau khi huyện Phú Lộc (mới, sau sáp nhập) đi vào hoạt động mới xác định được số cụ thể.

Đoàn kết, đồng thuận tạo ra hiệu quả

Theo lãnh đạo 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông, thuận lợi từ việc sáp nhập 2 huyện từ các chủ trương của các cấp, ngành là rất lớn. Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Thị Hoài Trâm khẳng định, cùng với huyện Phú Lộc, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nam Đông hết sức vui mừng và tự hào khi Quốc hội thông qua NQ về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng, là động lực để Huế vươn mình trỗi dậy phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Nhân dân huyện Nam Đông hoàn toàn ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, hạ tầng giao thông khá thuận lợi, hệ thống giao thông công cộng ngày càng phát triển; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được tích hợp trên dịch vụ công quốc gia, nên việc chia cách về không gian, khoảng cách không còn là vấn đề trở ngại lớn đối với người dân. Mặc dù đâu đó còn có những tâm tư, nhưng nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều ý thức chấp hành thực hiện nhiệm vụ được giao vì lợi ích chung khi xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Theo lãnh đạo hai huyện Phú Lộc và Nam Đông, một vài tâm tư là chuyện dễ hiểu, nhưng cơ bản đã có sự đoàn kết, đồng thuận rất cao từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Đây là điểm mấu chốt giúp cho việc sáp nhập hai huyện được thuận lợi và đạt hiệu quả.

Ông Lưu Đức Hoàn khẳng định, việc tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ổn định tâm lý của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là việc làm thường xuyên, liên tục; kịp thời giải thích cho cán bộ và Nhân dân nắm rõ, hiểu rõ ý nghĩa to lớn của việc Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ý nghĩa của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy mà Trung ương đang đẩy mạnh thực hiện. Quá trình thực hiện đồng bộ, không nói khó mà quyết tâm làm tốt những mục tiêu, định hướng đúng đắn vì sự phát triển.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chạm đích, không có nghĩa là dừng lại

Đã gần tuần lễ kể từ khi Quốc hội bấm máy thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (TƯ), niềm vui vẫn còn ngập tràn nơi nơi, làm thổn thức bao con tim của người Huế và những người yêu Huế.

Chạm đích, không có nghĩa là dừng lại
Cơ hội phía trước

Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở hiện hữu về diện tích tự nhiên, địa giới hành chính và quy mô dân số.

Cơ hội phía trước
Tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo

Phát huy lợi thế kinh tế vườn và phát triển chăn nuôi, thời gian qua chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phường Thủy Biều (TP. Huế) đã huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo cây, con giống cũng như bổ sung các tiêu chí thiếu hụt nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn thành phố.

Tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo
Đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng AIPA-45 của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thành công tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp.

Đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới
Return to top