Ông Phan Ngọc Thọ phát biểu tại kỳ họp Quốc Hội. ảnh: Quốc Vương
Nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo trong thời gian qua, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là các yếu tố chủ quan nên việc tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp chưa được đồng bộ, hiệu quả thực hiện chưa cao, có lúc, có nơi làm nửa vời, bộ máy tổ chức của một số cơ quan, đơn vị không những làm gọn, tinh giản mà còn có xu hướng phát sinh tổ chức, đầu mối, biên chế.
Về khách quan, do chúng ta chưa đánh giá hết nhu cầu bộ máy để thực hiện nhiệm vụ quản lý ngày càng tăng trong thực tế điều hành, quản lý; đội ngũ cán bộ, công chức không đảm bảo các điều kiện vẫn được tiếp nhận, đề bạt bổ nhiệm.
Bên cạnh gánh nặng của bộ máy thì những bất cập về chất lượng, về đội ngũ, sự mất cân đối lực lượng trực tiếp, gián tiếp, tình trạng vừa thừa vừa thiếu đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ là thực trạng bộ máy hiện nay.
Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính giai đoạn 2011 - 2016 cùng với thời điểm Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là những văn kiện quan trọng, định hướng tổ chức lại bộ máy, xây dựng đội ngũ CBCC trong thời gian tới.
Nhằm cụ thể hóa những nội dung, công việc, khắc phục trước mắt cũng như lâu dài những bất cập, hạn chế về tổ chức, bộ máy hiện nay, Chính phủ cần sớm có phương án, đề án triển khai nội dung định hướng sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Trung ương, địa phương; rà soát để điều chỉnh, trình Quốc hội điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật đảm bảo cơ sở pháp lý khi tổ chức sắp xếp, tinh giản bộ máy theo nguyên tắc một cơ quan đơn vị làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì. Rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan cấp tỉnh, huyện đảm bảo công tác tham mưu, quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương theo hướng xác định khung bộ máy, kinh phí hoạt động theo công việc được giao nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động xắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và thực tế quản lý của từng địa phương.
Sắp xếp tổ chức, tinh giản bộ máy phải gắn với nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp là mục tiêu lâu dài của nền hành chính quốc gia. Đến năm 2021 giảm 10% biên chế so với năm 2015 là mục tiêu quan trọng, việc triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến cán bộ, liên quan đến việc làm.
Thực tế hiện nay, chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế theo hướng không tiếp nhận hoặc tiếp nhận số lượng ít hơn khi có cán bộ nghỉ hưu, điều này khiến bị động trong khâu sắp xếp, tinh giản; phải đợi đến thời điểm nghỉ hưu của cán bộ mới có phương án điều chỉnh giảm biên chế. Bên cạnh đó, do cán bộ chuyên môn nghỉ hưu nhưng không thể tuyển dụng người có nghiệp vụ chuyên môn phù hợp thay thế đã dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ có chuyên môn nhưng vẫn thừa cán bộ làm việc.
Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp, lộ trình cụ thể về tinh giản, điều kiện tinh giản trên cơ sở vị trí việc làm một cách khoa học để số cán bộ không đủ điều kiện về tiêu chuẩn có cơ hội chuyển đi khỏi cơ quan nhà nước, khuyến khích việc xin nghỉ, chuyển việc làm cho đội ngũ cán bộ có nhu cầu khi chưa đến tuổi nghỉ hưu. Việc tăng cường xử lý cán bộ không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ được phân công cũng sẽ góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế.
Ngoài ra, mô tả vị trí việc làm phải được đặt ra trong bối cảnh xây dựng nền hành chính hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, trong việc giải quyết công việc cho công dân, tổ chức. Đây là xu thế tất yếu để có những tiêu chí chức danh phù hợp, khắc phục tình trạng hiện nay nhu cầu tăng biên chế sau khi rà soát vị trí việc làm.
Một nhiệm vụ quan trọng cũng được đặt ra là tăng cường nâng cao chất lượng đánh giá tổ chức, cán bộ theo điểm số hóa, đánh giá đa chiều. Trong đánh giá cán bộ, tổ chức phải tính đến đánh giá của xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp với những hình thức phù hợp. Chúng ta đã triển khai đánh giá hàng năm về năng lực tổ chức, điều hành, mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan cấp Bộ, tỉnh theo các chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI), Sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT), chỉ số Cải cách hành chính (PAR), chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), bước đầu đã tạo chuyển biến, nâng cao năng lực đánh giá khách quan của xã hội đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ UBND cấp tỉnh. Mô hình này cần được nhân rộng để đánh giá cấp sở, ngành, cấp huyện làm nền tảng đánh giá toàn diện hoạt động, tổ chức của tổ chức đơn vị trong thời gian tới theo hướng lượng hóa điểm số khi đánh giá.
PHAN NGỌC THỌ
(TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH)