Năm 2012, Việt Nam và Lào kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18/7/1977 – 18/7/2012) và 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (5/9/1962 – 5/9/2012); lãnh đạo 2 nước đã nhất trí lấy năm 2012 là “Năm Đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào”.
Tăng cường quan hệ hữu nghị
Thực hiện chương trình làm việc, trung tuần tháng 6/2012, đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh do ông Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy có chuyến thăm và làm việc thường niên với một số tỉnh của Lào. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo các tỉnh bạn Lào trên tinh thần hiểu biết và chia sẻ sâu sắc đã đánh giá cao kết quả hợp tác, thắt chặt tình hữu nghị trong thời gian qua; đồng thời, nhất trí một số nội dung cần quan tâm thúc đẩy sắp đến. Lãnh đạo hai bên thống nhất việc tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, giữa Thừa Thiên Huế với các tỉnh bạn Lào nói riêng; tiếp tục luân phiên trao đổi đoàn cấp cao và đoàn công tác các ngành sang thăm và trao đổi các nội dung hợp tác đặc biệt trong năm 2012; quan tâm đẩy mạnh công tác tư tưởng đối với nhân dân vùng biên giới về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào; tiếp tục thực hiện các nội dung hợp tác đã thống nhất về đào tạo nguồn nhân lực, y tế, quốc phòng - an ninh, công tác quy tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện, nhất là tăng cường thúc đẩy hợp tác đào tạo lưu học sinh Lào tại Huế... Những cuộc thăm hỏi, hội đàm song phương góp phần vun đắp thêm tình cảm, mối quan hệ truyền thống, hữu nghị đặc biệt Việt – Lào; đồng thời, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thúc đẩy các ngành liên quan thực hiện những nội dung hợp tác với kết quả cao hơn, thiết thực hơn.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện chụp ảnh lưu niệm với đoàn phụ nữ Lào sang thăm và làm việc tại Thừa Thiên Huế
|
Đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Đến nay, Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các tỉnh Sê Kông, Sa la van hoàn thành kế hoạch tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc giới trên biên giới với 38 mốc; trong đó có 2 mốc đại, 1 mốc dấu. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc toàn tuyến và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định hợp tác và phát triển.
|
Nổi bật nhất trong các hoạt động hợp tác là công tác đào tạo lưu học sinh theo hiệp định song phương giữa Thừa Thiên Huế và 7 tỉnh, thành phố của Lào trong 10 năm qua. Từ năm 2002 tới nay, có 598 lưu học sinh học tiếng Việt và các chuyên ngành tại Huế, của 7 tỉnh: Champassack, Salavan, Sekong, Attapeu, Savannakhet, Khammouane và Thủ đô Vientiane. Trong đó, có 215 lưu học sinh đã tốt nghiệp và trở về làm việc tại Lào. Các hoạt động hỗ trợ lưu học sinh Lào tại Thừa Thiên Huế phong phú và hiệu quả, đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động giao lưu giữa cán bộ, giảng viên và lưu học sinh Lào; xây dựng trang thông tin điện tử riêng cho học sinh Lào tại Thừa Thiên Huế…
Trên lĩnh vực y tế, Thừa Thiên Huế luôn quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo các tỉnh bạn Lào sang khám và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế. Cùng đó, lãnh đạo tỉnh xúc tiến các đoàn y tế sang giao lưu, khảo sát, tiến hành khám-chữa bệnh, cấp phát thuốc và điều trị bệnh cho cho bà con các bản của Lào có chung biên giới với Thừa Thiên Huế và hỗ trợ vật chất cho họ.
Về kinh tế, Thừa Thiên Huế tiếp tục xuất các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, bia, hàng dệt may, xi măng và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 160.700 USD trong năm 2011. Bên cạnh đó, du lịch từng bước có sự phát triển, các hoạt động văn hóa gắn với kinh tế, du lịch, du lịch gắn với các hoạt động lễ hội, nghiên cứu và khám phá nghệ thuật sống của Cố đô Huế với các vùng của Lào tiếp tục được phát huy; các chương trình hợp tác thúc đẩy quảng bá xúc tiến du lịch và khai thác khách du lịch qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây từng bước được chú trọng hơn.
Thái Sơn