ClockThứ Ba, 27/04/2021 06:30

Siết chặt kiểm soát, giữ “lá chắn” chống dịch vùng biên

TTH - Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam đang có số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, lực lượng chức năng của tỉnh đang bám chốt, siết chặt tuần tra tuyến biên giới ngăn chặn người vượt biên trái phép để trốn, tránh dịch.

Canh chốt vùng biên ngày tết“Tiếp sức” nơi chốt chặn dịch vùng biên

Lực lượng chức năng tuần tra khu vực biên giới để phát hiện, ngăn chặn người trốn tránh dịch qua đường mòn, lối mở

Siết chặt bảo vệ biên giới, phòng chống dịch

Cùng tham gia đi tuần tra với lực lượng tại các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Việt – Lào, đại diện các đồn Biên phòng cho biết hơn 1 tháng nay, các đồn biên phòng tiếp tục tăng cường thêm lực lượng bám chốt, kiểm soát kỹ vùng biên trước đại dịch COVID-19. Thiếu tá Mai Quốc Trung, chốt trưởng một chốt kiểm soát thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết: “Từ khi xuất hiện dịch đến nay, bất kể mưa nắng, chúng tôi vẫn luân phiên ca trực, bám chốt liên tục. Tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia và Lào có những diễn biến đáng lo ngại nên lực lượng được tăng cường. Hiện có 6 cán bộ, chiến sĩ bám chốt 24/24 giờ, thường xuyên tuần tra trên đường mòn, lối mở”.

Tại vùng biên giới giáp Lào, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đang duy trì 36 tổ, chốt (19 chốt cố định, 17 tổ tuần tra lưu động), với lực lượng tham gia lên đến 241 cán bộ, chiến sĩ (220 cán bộ, chiến sĩ BĐBP; 21 cán bộ các lực lượng khác, chủ yếu là dân quân). Nhờ kiên cố hóa các điểm chốt, tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gia cầm ngay tại chốt để đảm bảo lương thực, lực lượng cán bộ, chiến sĩ BĐBP yên tâm hơn làm nhiệm vụ, luân phiên phân công các công việc tại chốt và đi tuần tra trong rừng.

Theo đại diện các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện A Lưới, hiện tình hình khu vực biên giới đang được kiểm soát tốt. Lực lượng tại các chốt cố định kiểm soát kỹ các đường mòn, lối mở. Trong khi đó, các tổ tuần tra thường xuyên tuần tra trên địa bàn các xã biên giới. Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết, tình hình dịch ở các nước láng giềng vẫn còn rất phức tạp, lực lượng cán bộ, chiến sĩ BĐBP tăng cường thêm tần suất tuần tra kể cả ban ngày và ban đêm. Tổ tuần tra lưu động cũng liên tục tuần tra trên các tuyến đường, nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh.

Theo Trung tá Hồ Văn Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm, cùng với lực lượng 6 cán bộ, chiến sĩ, tại mỗi chốt còn có thêm 2 cán bộ của lực lượng dân quân địa phương. Tuy tình hình đang được kiểm soát tốt nhưng không lơ là, chủ quan. 2 tổ tuần tra lưu động cũng hoạt động liên tục. Sắp tới, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh còn tăng cường thêm lực lượng, siết chặt bảo vệ biên giới, duy trì tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.

Vừa kiểm soát phòng dịch vừa tuyên truyền

Theo thống kê của UBND huyện A Lưới, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 300 người dân của địa phương đang làm ăn, sinh sống ở nước bạn Lào. Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên các cửa khẩu vẫn tạm thời “đóng cửa”. Từ trước dịp Tết Nguyên đán đến nay, các lực lượng chức năng liên tục kêu gọi, vận động người dân không vượt biên trái phép, tìm cách về nước qua đường mòn, lối mở, tuân thủ các quy định để đảm bảo phòng, chống dịch.

Tuyên truyền, nhắc nhở người dân ở các xã biên giới đeo khẩu trang, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, công tác tuyên truyền vẫn đang được tiếp tục. Trong đó, ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đeo khẩu trang, không tập trung đông người thì cũng vận động họ liên lạc, khuyên người thân không tìm đường mòn, lối mở để trở về. “Hiện, lực lượng chức năng đang kiểm soát tốt trên tuyến biên giới nên ở vòng trong vẫn đang thực hiện giải pháp để giúp người dân làm ăn phát triển kinh tế. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện theo dõi kỹ tình hình, trong trường hợp cần thiết và có chỉ đạo từ các cấp, sẽ kích hoạt trở lại các chốt liên ngành kiểm soát, phòng chống dịch”, ông Cường khẳng định.

Theo Trung tá Hồ Văn Hà, cùng với công tác tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, lực lượng cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền. “Ngoài nhắc nhở người dân sống gần các chốt kiểm soát, chúng tôi cũng phối hợp với các lực lượng của địa phương các xã biên giới đi đến nhà của từng hộ dân để tuyên truyền, nhắc nhở họ chú ý vấn đề đảm bảo an toàn, phòng chống dịch”, Trung tá Hồ Văn Hà cho hay.

Hiện, huyện A Lưới cũng đang phát huy vai trò của lực lượng liên ngành (y tế, biên phòng, quân sự, công an, thanh niên, dân quân tự vệ, phụ nữ…) để tiếp tục tuyên truyền cho người dân, vừa phát triển sản xuất, vừa chú ý phòng, chống dịch bệnh; tuân thủ quy định, khuyến cáo 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế) để giữ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải là một trong những giải pháp quan trọng của ngành chức năng, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), tạo môi trường kinh doanh vận tải (KDVT) lành mạnh.

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải
Siết chặt quản lý thị trường bất động sản

Thời gian qua, giá bất động sản (BĐS) tăng cao, khiến cho thị trường vừa mới hồi phục đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin, tránh để người dân trở thành nạn nhân của những đợt sốt đất ảo đã từng diễn ra.

Siết chặt quản lý thị trường bất động sản
Kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng

Cùng với các giải pháp vĩ mô nhằm ổn định thị trường vàng, tại Thừa Thiên Huế, các giải pháp kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng cũng đã được triển khai.

Kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng
Tối ưu hóa trong kiểm soát đường thở khó

Chiều 6/9, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức buổi sinh hoạt khoa học cập nhật kiến thức về kiểm soát đường thở khó. Qua đó, đánh giá những ưu điểm vượt trội khi sử dụng giải pháp CMAC dựa trên các trang thiết bị hiện có tại đơn vị cũng như các trang thiết bị hiện đại khác.

Tối ưu hóa trong kiểm soát đường thở khó
Return to top