Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát những lái xe quá tốc độ trên các tuyến đường tâm trung qua địa bàn huyện Phú Lộc
Đường thoáng, TNGT nghiêm trọng vẫn xảy ra
7 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 139 vụ TNGT, làm chết 88 người, bị thương 98 người; giảm 24 vụ, tăng 6 người chết, giảm 16 người bị thương. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 134 vụ, làm chết 84 người, bị thương 96 người; TNGT đường sắt xảy ra 5 vụ, làm chết 4 người, bị thương 2 người.
"Con số thống kê trên cho thấy, TNGT giảm nhưng chưa bền vững. Nhiều nguy cơ tiềm ẩn cùng ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông hạn chế có thể khiến TNGT xảy ra phức tạp bất kể mọi thời điểm trên đường bộ, đường sắt... ”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Lê Anh Tuấn nhận định.
Đáng lo ngại thời gian gần đây, dù ảnh hưởng dịch COVID-19, các tuyến giao thông có phần vắng vẻ so với trước, nhưng các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra (với 80 vụ, làm chết 80 người, bị thương 26 người). 7 tháng đầu năm có 3 địa phương là TP. Huế, Quảng Điền, Nam Đông đã tăng số vụ tai nạn và 6 địa phương tăng số người chết là TP. Huế, Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Trà, A Lưới, Nam Đông.
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, ông Trần Bá Trung, tình trạng đi mô tô, xe máy đánh võng, lạng lách, không nhường đường, quay đầu xe đột ngột, không quan sát... vẫn diễn ra trên các tuyến đường nội, ngoại thành đã gây ra 91 vụ tai nạn làm chết 59 người và 68 người bị thương.
Nhiều xe tải cơi nới thành thùng chở vật liệu đất đá quá tải trọng cho phép, phóng nhanh vượt ẩu trên các QL1A, 49B, TL7, TL28, TL6, TL9... để xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm.
Bên cạnh đó, ATGT đường sắt cũng rất đáng quan ngại, dù đã giảm sâu lượt tàu chạy do ảnh hưởng COVID-19 nhưng trong 7 tháng đầu năm 2021 đã xảy 5 vụ tai nạn, làm 4 người chết, 2 người bị thương, tăng 2 vụ và 2 người chết và 1 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức
Qua phân tích của cơ quan chức năng tại cuộc họp trực tuyến gần đây cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông còn thấp là nguyên nhân để xảy ra nhiều vụ TNGT.
Mặc dù thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền công tác bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông đến mọi người dân. Song, qua đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT chưa thực sự đi vào thực chất. Ở nhiều nơi, việc vi phạm còn phổ biến dù mức phạt hiện nay đã tăng cao và nhiều hành vi vi phạm bị phạt ở mức tối đa như nồng độ cồn, chở quá tải, chạy quá tốc độ… Một số tuyến đường nếu có lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, giám sát trực tiếp thì vi phạm giảm, nhưng khi lực lượng rời đi thì nhiều người vi phạm...
Giải quyết vấn đề trên, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đây là vấn đề có tính chất then chốt vì nếu chúng ta có quy định pháp luật tốt nhưng người dân không biết thì cũng không hiệu quả. Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mọi đảng viên, công chức, các tổ chức đoàn thể đều phải nêu gương, nắm rõ quy định pháp luật thì mới thực hiện tốt, mới hướng dẫn, tuyên truyền cho người thân, những người xung quanh mình thực hiện đúng quy định.
Bài, ảnh: Minh Văn