Dự thảo báo cáo đánh giá cơ bản đầy đủ, toàn diện, có nhiều quan điểm mới, thể hiện tinh thần đổi mới và tính khoa học. Báo cáo Dự thảo nêu rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý tài nguyên, BVMT, phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý trong thời gian qua đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách quản lý và tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực liên quan. Các chính sách, giải pháp thực hiện cơ bản đảm bảo được tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng giai đoạn, đáp ứng được lợi ích lâu dài.
Tuy nhiên, theo tôi, để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, ổn định, việc tăng cường các giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên hợp lý, BVMT và chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH là yêu cầu quan trọng đặt ra cho các cấp, các ngành cả trong hiện tại và tương lai. Tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, nguồn lực quan trọng của đất nước, tài nguyên là hữu hạn, không thể tái tạo lại được, do đó, bên cạnh yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, Nhà nước cần khuyến khích các tổ chức, thành phần kinh tế, doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm xanh, các nguồn năng lượng tái tạo từ rác thải, phế thải, để vừa tiết kiệm nguồn năng lượng tự nhiên, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, để khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, Nhà nước cần ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư chế biến sâu, nhằm hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất khẩu thô một số loại khoáng sản. Để sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất đai, các ngành, địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch sử dụng đất theo hướng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả, đi kèm các giải pháp khoa học kỹ thuật để tăng độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất, hiệu quả trên đơn vị diện tích.
Hiện nay, trước tốc độ phát triển công nghiệp ngày càng tăng, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc. Dự thảo cũng đã đề cập đến các giải pháp hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị…, nhưng song song đó, chúng ta cần tăng cường xây dựng những tiêu chí cụ thể, lồng ghép vào các hương ước, quy ước văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... để huy động cộng đồng nhân dân, các tổ chức đoàn thể cùng tham gia, tiến tới xã hội hóa trong công tác BVMT một cách bền vững, văn minh, hiện đại. Mặt khác, để công tác BVMT cũng như phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực, tôi cũng như nhiều ý kiến đóng góp trong ngành cho rằng nên tăng cường giáo dục nhận thức, ý thức về BVMT, phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH cũng như các hoạt động liên quan cho học sinh các cấp, đặc biệt ngay từ cấp I và xây dựng thành môn học chính thức trong trường học. Đây cũng là cách tạo ý thức, thói quen, trách nhiệm cho các em ngay từ nhỏ và trở thành những “tuyên truyền viên” hữu ích đến những đối tượng khác.
Tôi cũng thống nhất với Dự thảo bàn về phương hướng, giải pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, nhưng để đảm bảo tính thực tế với từng vùng, từng địa phương, trước tiên cần phát huy vai trò, làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền về xây dựng năng lực chủ động ứng phó với BĐKH. Phải đưa việc ứng phó với BĐKH trở thành việc sinh hoạt sâu rộng, lâu dài cho cộng đồng cùng chung tay, góp sức. Bên cạnh thúc đẩy sáng kiến của người dân, địa phương ứng dụng các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai, ứng phó với BĐKH, thông qua các kênh đầu mối, các ngành, các cấp cần kêu gọi, huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức trong và ngoài nước để phục vụ thực hiện các chương trình, dự án hợp lý, có hiệu quả không chỉ trong đời sống mà cả trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, du lịch dịch vụ, giao thông vận tải...