ClockThứ Sáu, 23/10/2015 07:19

Tâm huyết cùng đại hội

TTH - LTS: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 có chủ đề “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; phát triển KT-XH nhanh và bền vững; xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Trước thềm Đại hội, Báo Thừa Thiên Huế nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ, Nhân dân gửi gắm đến Đại hội. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Dương Đức Lợi, cán bộ lão thành cách mạng ở xã Phú Lương (Phú Vang):

Cần tạo ra bước đột phá về kinh tế - xã hội

Theo tôi, 5 năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh đạt được những kết quả khả quan. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của Nhân dân ngày một nâng lên; điện, đường, trường, trạm đã có đầy đủ ở vùng sâu, vùng xa; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm dần; y tế, giáo dục ngày càng tốt hơn... Điều này đã tạo ra niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và đó chính là tiền đề quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

Tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV sẽ tiếp tục có những chủ trương, giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 cần tiếp tục đẩy mạnh theo hướng phát triển vững chắc để bảo đảm sự bền vững, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với củng cố và giữ vững quốc phòng, an ninh. Tôi tin rằng, các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV sẽ sáng suốt bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ mới gồm những cán bộ giỏi, dám nghĩ, dám làm, tạo được bước đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong nhiệm kỳ tới.

Bà Phạm Thị Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh:

Chú trọng hơn công tác cán bộ nữ

Chúng tôi tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều vấn đề xã hội liên quan phụ nữ hiện nay cần quan tâm như trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế. Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một; bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ, phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tồn tại.

Chúng tôi mong muốn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục có những chủ trương đường lối đúng đắn, tạo được bước đột phá nhằm phát huy tối đa thế mạnh địa phương, đưa kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển. Đời sống của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em nói riêng ngày càng được nâng cao.

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng, Hội đồng Nhân dân các cấp, lãnh đạo quản lý đang còn thấp. Do vậy, chị em rất mong muốn trong nhiệm kỳ tới các cấp ủy Đảng cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ; đặc biệt là chính sách thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý. 

Trong công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ, cần quy định tỷ lệ nữ hợp lý và có những giải pháp thật cụ thể, khả thi. Bên cạnh đó, rất mong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tin tưởng, mạnh dạn “giao quyền” cho cán bộ nữ, giúp họ có cơ hội thử thách năng lực, phát huy phẩm chất “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” của phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Ông Huỳnh Huyên, thôn Tân Thành, xã Quảng Công (Quảng Điền):

Quan tâm nhiều hơn đến ngư dân

Những năm qua, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất. Những chính sách trên đã góp phần phát huy hiệu quả, hỗ trợ ngư dân trong khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân.

Tuy nhiên hiện nay, ngư dân địa phương vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư tàu thuyền vươn ra xa khơi, chỗ neo đậu tàu thuyền, cơ sở vật chất tái định cư cho các ngư dân vùng sạt lở ven biển. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn các đại biểu được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới cần quan tâm nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ ngư dân, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và cải thiện thu nhập cho ngư dân. Cụ thể, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá, khu dân cư ven biển; ưu tiên phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo. Xây dựng nhiều mô hình quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng; thúc đẩy hình thức tổ chức khai thác theo tổ, đội sản xuất…; có chính sách hỗ trợ các tổ ngư dân trên biển tạo điều kiện thuận tổ chức hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản bền vững.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới:

Phát huy các lợi thế so sánh của miền núi

Những năm qua, vùng miền núi của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế phát triển với tốc độ tương đối nhanh và toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, rõ nét là du lịch, dịch vụ và xúc tiến thương mại có hiệu quả. Kết cấu hạ tầng được xây dựng tốt hơn, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Để phát huy lợi thế ở khu vực miền núi, trong phương hướng của 5 năm tới, tỉnh đã xác định chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất công nghiệp điện, công nghiệp chế biến, gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị và bố trí các khu dân cư; đồng thời, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững... Điều này sẽ góp phần rất lớn chăm lo phát triển kinh tế cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này, tôi kỳ vọng sẽ có những chủ trương, quyết sách nhằm tiếp tục phát huy các lợi thế so sánh của miền núi như về đất đai, tài nguyên, tiềm năng phát triển cây công nghiệp, kinh tế rừng, công nghiệp chế biến gỗ... Tích cực tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư trực tiếp hoặc liên kết sản xuất kinh doanh; khuyến khích đầu tư vốn theo hình thức liên kết sản xuất với nông dân ở địa bàn miền núi trong phát triển kinh tế rừng, trồng cây công nghiệp. Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ và du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo ngày càng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế ở khu vực miền núi.

Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT:

Sớm xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Đọc Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế khoá XIV, giới văn nghệ sĩ (VNS) tỉnh nhà rất vui khi dự thảo đã đề cập đến nhiều phần việc liên quan đến phát triển văn học nghệ thuật, những giá trị lớn về văn hóa của vùng đất; đề cập đến việc xây dựng thiết chế văn hóa cũng như những chính sách để phát triển văn hóa. Tuy nhiên, điều khiến giới VNS chúng tôi đang rất bận tâm là, trong nhiều thiết chế văn hóa được đề cập trong dự thảo, thiếu vắng Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Đây là vấn đề cần được đặt ra. Nếu chúng ta không xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Huế thì sớm muộn những tác phẩm quý cũng sẽ mất.

Trước mắt, tỉnh cần có chính sách bố trí nguồn ngân sách hợp lý để lập hội đồng mua những tác phẩm mỹ thuật chất lượng cao làm nền tảng cho Bảo tàng Mỹ thuật trong tương lai. VNS Thừa Thiên Huế xin tha thiết đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh thống nhất chủ trương là sớm có Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Ngoài ra, chúng tôi rất mong trong nhiệm kỳ này, tỉnh sớm có chủ trương, chính sách xây dựng các đề án bảo tồn, khôi phục những loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa văn nghệ dân gian vùng Huế. Nếu không, trước sự “xâm thực” rất lớn của quá trình đô thị hóa, văn nghệ dân gian đang bị “xô dạt’. Khi ca Huế được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chúng tôi vừa vui nhưng cũng vừa buồn. Ca Huế là cội nguồn của đờn ca tài tử nhưng trong khi đờn ca tài tử đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại thì ca Huế mới dừng lại ở cấp quốc gia. Chúng tôi đề nghị cần nhanh chóng lập hồ sơ để ca Huế không chỉ dừng lại là di sản cấp quốc gia mà là di sản tầm thế giới.

HÀO VŨ-HẢI THUẬN-HOÀNG LOAN-BÁ TRÍ-TRANG HIỀN (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

Sáng 23/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ IX, khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động hội và phong trào phụ nữ năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế
Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Kế hoạch về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các sở, ngành cấp tỉnh; trong đó yêu cầu đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top