|
Đầu tư nâng cấp Cảng Chân Mây góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, tăng cường tiềm lực QP-AN, đối ngoại. Ảnh: Bá Trí
|
Có thể thấy, công tác bảo vệ an ninh chính trị trong một số lĩnh vực còn có những thiếu sót; xử lý tình huống phức tạp nảy sinh ở cơ sở có lúc, có nơi còn bị động; tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp. Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh, đặc biệt tại các vùng chiến lược, biển, đảo còn chưa chặt chẽ…
Trước tình hình đó, việc tăng cường sức mạnh QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển - đảo của Tổ quốc trong tình hình hiện nay là vấn đề rất cấp bách, trọng yếu và thường xuyên. Trước tiên, cần xác định phạm vi, đối tượng và mức độ, tính chất bảo vệ của QP-AN là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, các cấp ủy đảng cần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, dân chủ kỷ cương, đồng thuận.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, tạo nền tảng cho nền công nghiệp QP-AN; phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế biển gắn với đảm bảo QP-AN. Quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại hoá, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đảm bảo giành thắng lợi trong mọi tình huống. Đồng thời, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát triển đất nước, gia tăng mức độ đan xen lợi ích với các đối tác quan trọng, tiếp tục nâng cao vị thế của nước ta ở khu vực và trên thế giới; giải quyết cơ bản các vấn đề biên giới trên bộ, thúc đẩy giải quyết có hiệu quả những vấn đề trên biển với các nước láng giềng.
Để làm được điều này, về quan điểm phải giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá. Kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực QP-AN, đối ngoại, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.