ClockThứ Hai, 24/08/2015 10:32

Thăm lại “căn cứ lõm” Phong Bình

TTH - Kể chuyện về quá khứ hào hùng, nhiều cán bộ cao niên ở Phong Bình (Phong Điền) như đọc lại một cuốn sách, chiếu lại những thước phim làm xúc động lòng người. Ông Trần Văn Luyện (85 tuổi), nguyên Bí thư Huyện uỷ Phong Điền bảo: "Vùng rú cát Phong Bình là căn cứ lõm vùng sâu của Phong Điền trong kháng chiến"...

Lãnh đạo xã Phong Bình thăm địa điểm Cối giã bàng trên vùng rú cát – nơi từng là cơ sở hoạt động của Chi bộ xã Phong Bình trong thời kỳ kháng chiến

Xã Phong Bình có hệ thống đường thuỷ và đường bộ rất thuận lợi trong giao lưu với bên ngoài. Chính từ vị trí chiến lược đó, trong những năm kháng chiến, thực dân Pháp đổ vào đây một lực lượng quân đội khá lớn, đóng đồn bốt dày đặc để khống chế, đàn áp phong trào đấu tranh của Nhân dân. Tuy vậy, Nhân dân Phong Bình dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng vẫn kiên trì bám đất, bám làng, kiên quyết đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Mặc dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng bà con vẫn ra sức chi viện cho cuộc kháng chiến, đóng vai trò là điểm trung chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí tiếp tế từ các vùng lân cận lên chiến khu Hoà Mỹ của tỉnh.

Trên đường dẫn tôi đi thăm vùng rú cát nằm giữa hai hồ Trằm Giàng và Trằm Nãi của xã – căn cứ cách mạng của huyện Phong Điền trong kháng chiến, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình giới thiệu: Phong Bình là mảnh đất đã sản sinh ra hàng trăm “hạt giống đỏ” cho cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, đây chính là nơi ghi dấu nhiều trận đánh, phong trào đấu tranh, cũng như những chiến công của quân và dân ta.
Chủ tịch Khánh dẫn tôi đến thôn Đông Mỹ gặp ông Trần Văn Luyện (85 tuổi, gần 60 năm tuổi Đảng), nguyên Bí thư Huyện uỷ Phong Điền, người tham gia cách mạng trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
Ông Luyện bắt đầu câu chuyện: Sau khi mặt trận Huế vỡ (năm 1947), rú cát ở Phong Bình trở thành nơi bám trụ của cán bộ, đảng viên của liên xã Hoà – Bình – Chương. Đến mùa hè năm 1947, nhiều cán bộ, đảng viên và chiến sĩ đã trở về bám cơ sở, xây dựng lại phong trào cách mạng. Để phục vụ kháng chiến, lực lượng du kích và Nhân dân trong xã tiến hành xây dựng hệ thống hầm hào chiến đấu, hầm bí mật, hầm tránh máy bay và pháo của địch. Đặc biệt là các hầm chông tre, chông sắt được bố trí khắp các thôn, các ngõ vào đường làng.
Nói đến đây, đôi mắt ông Luyện ánh lên niềm tự hào vì nhớ lại những ngày chiến đấu hào hùng năm xưa, những năm tháng gian khổ ở Phong Bình, những trận đánh trên sông Phò Trạch hào hùng. Ông nhớ lại: Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, khoảng giữa năm 1949, du kích địa phương cùng các xã lân cận bao vây đồn Ưu Điềm, nơi có lính Pháp đóng quân. Một bộ phận du kích khác được bố trí chặn đường tiếp viện của địch dọc đường từ Vân Trình lên và từ Mỹ Chánh xuống, đồng thời phong toả một đoạn sông Ô Lâu. Để chặn địch trên sông, bà con trong xã dùng cọc gỗ vót nhọn đóng xuống lòng sông chặn ca nô địch. Bố trí xong trận địa, các chiến sĩ đốt rơm, rắc ớt bột vào để khói ớt bay vào đồn, giặc không chịu nổi bò ra ngoài, bị du kích tiêu diệt.
Cuối năm 1949, du kích xã tiếp tục tổ chức tiêu diệt đồn Vân Trình, Ban chỉ huy trung đội du kích trình lên Chi bộ và Ủy ban kháng chiến xã kế hoạch đề nghị bộ đội chủ lực giúp sức. Kế hoạch tác chiến được cấp trên chấp thuận. Cùng với sự chi viện của một đơn vị bộ đội chủ lực, trung đội du kích xã bố trí trận đánh đúng theo kế hoạch và thu được thắng lợi lớn. Toàn bộ địch trong đồn bị bắt sống, ta thu được nhiều súng ống, đạn dược, lương thực, thực phẩm... Hết trận địa này đến mặt trận khác, cùng với đấu tranh chính trị kết hợp với tiến công quân sự và binh vận, từ cuối năm 1946 đến 1954, Nhân dân Phong Bình đã cùng với toàn huyện, toàn tỉnh góp phần to lớn vào việc đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp...
Đường đến Phong Bình bây giờ đã thuận lợi, giao thương nhộn nhịp hơn nhờ những cung đường nhựa, bê tông liên thôn mới được đầu tư. Chủ tịch Khánh thông tin thêm, những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của Phong Bình đã có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ. Địa phương đã mở nhiều lớp đào tạo nghề gia công lưới và tạo mẫu mã sản phẩm nghề đan lát cho lao động ở các thôn Vân Trình, Vĩnh An, Siêu Quần và Phò Trạch. Xã cũng đã lồng ghép vốn của các dự án, tạo điều kiện khuyến khích những ngành nghề phát triển theo hướng đa dạng hoá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút nhiều lao động. Đồng thời, từng bước chuyển đổi phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ để HTX thực hiện chức năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm các ngành nghề TTCN...
Phong Bình bây giờ đã đổi thay rất nhiều, người dân đang phát huy truyền thống kiên cường của quê hương để bắt tay vào một “cuộc chiến” mới: “cuộc chiến” xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới. Còn nhớ, lúc trò chuyện về những đổi thay của Phong Bình, ông Khánh trăn trở: “Rú cát từng là vùng căn cứ lõm ở Phong Bình hiện tại rất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và lịch sử cách mạng. Nếu được quan tâm đầu tư thoả đáng, sẽ mở hướng phát triển mới cho vùng đất và con người đã từng chịu nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng một lòng trung kiên phục vụ cách mạng để làm nên những trang sử chói lọi trong kháng chiến trường kỳ…”.
Bài, ảnh: QUỐC TUẤN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V. I. Lenin tại LB Nga

Ngày 22/4, nhân kỷ niệm 154 năm ngày sinh của lãnh tụ phong trào cách mạng vô sản Nga Vladimir Ilich Lenin, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), nhóm nghị sĩ của KPRF tại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, Ủy ban KPRF ở thành phố Moskva, đoàn thanh niên Komsomol Lenin, cùng với các tổ chức xã hội, phong trào yêu nước cánh tả đã tổ chức đặt vòng hoa và viếng Lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva.

Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V I Lenin tại LB Nga
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Return to top