Cách đây vài năm, chồng của chị Võ Thị Th. (xã Lộc An) bất ngờ mắc bệnh thần kinh dẫn đến mất khả năng lao động. Một mình người phụ nữ 30 tuổi phải gồng gánh kinh tế nuôi 3 đứa con nhỏ ăn học, vừa chạy chữa thuốc thang cho chồng.
Là một trong những hộ nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn của địa phương, đầu tháng 3 vừa qua, chị Th. được Xã đoàn Lộc An hỗ trợ 100 con gà giống để phát triển sinh kế. “Đây là cơ hội tốt để gia đình cải thiện nguồn thu nhập, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đoàn Thanh niên địa phương cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật khi cần thiết”, chị Th. hồ hởi chia sẻ.
Anh Phạm Việt Ân, Bí thư Xã đoàn Lộc An thông tin, mô hình chăn nuôi của chị Th. bước đầu đã mang lại hiệu quả, đàn gà sinh trưởng tốt. Hiện gia đình đang tiếp tục xin hỗ trợ thêm 10 cặp vịt để phát triển mô hình.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, mô hình “Cần câu xanh” do Xã đoàn Lộc An thực hiện đã hỗ trợ 4 heo giống và 200 con gà giống cho 4 gia đình khó khăn có nguyện vọng phát triển sinh kế. Đến cuối năm 2023, đơn vị đặt mục tiêu hỗ trợ thêm 4 trường hợp hộ nghèo tại địa phương.
Không riêng xã Lộc An, toàn huyện Phú Lộc hiện có 17/17 xã thực hiện mô hình “Cần câu xanh”. Qua đó, đã hỗ trợ gần 800 con gà giống, 30 heo giống, 20 vịt giống với tổng trị giá 60 triệu đồng cho những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành, Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc Hoàng Trần Quốc Phú cho biết, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và Đoàn Thanh niên cũng không phải là ngoại lệ. Với mong muốn tạo ra một mô hình mới, “Cần câu xanh” đã ra đời nhằm kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trợ lực cho những hoàn cảnh khó khăn phát triển sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo anh Hoàng Trần Quốc Phú, hỗ trợ sinh kế vốn không còn là hoạt động quá xa lạ, nhưng câu chuyện hỗ trợ như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất vẫn là vấn đề được các cấp bộ Đoàn quan tâm, trăn trở.
Tại huyện Phú Lộc, các đối tượng được lựa chọn hỗ trợ đều là các hộ nghèo, cận nghèo thuộc kế hoạch thoát nghèo trong năm 2023 của địa phương. Huyện đoàn và các Xã đoàn đã phối hợp với ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện và các xã, thị trấn tiến hành rà soát, khảo sát và lựa chọn đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Sau đó, tiến hành ký cam kết với người dân trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương để thể hiện sự quyết tâm.
Với thông điệp “Trao cần câu hơn trao xâu cá”, thay vì hỗ trợ người dân bằng các phần quà, tiền mặt…, Huyện đoàn Phú Lộc hướng đến hỗ trợ những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng điều kiện cụ thể của các hộ dân. Đồng thời, hướng dẫn, chia sẻ với bà con về cách thức nuôi trồng hiệu quả; từ đó khơi dậy ý chí vươn lên, thoát nghèo bền vững…
Để đảm bảo mô hình đạt được hiệu quả tốt nhất, hệ thống cán bộ Đoàn toàn huyện đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành khảo sát lựa chọn đối tượng hưởng lợi. Sau đó, tập trung hỗ trợ người dân trong việc xây dựng, cải tạo chuồng trại, liên hệ với các cơ sở cung cấp giống để cung cấp những nguồn giống chất lượng nhất… Ngoài ra, kỹ thuật nuôi trồng và định hướng đầu ra, cách thức tái tạo sản xuất cũng được cán bộ Đoàn theo sát hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”.
“Đa phần nguồn kinh phí hỗ trợ mô hình đều được Huyện đoàn và các Xã đoàn, Thị đoàn huy động nguồn xã hội hóa từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Với bước đầu đạt được một số hiệu quả nhất định, mô hình “Cần câu xanh” sẽ tiếp tục kêu gọi đa dạng nguồn hỗ trợ để có thể nhân rộng nhiều hơn nữa; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Lộc thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”, Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc Hoàng Trần Quốc Phú cho biết thêm.