Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hương Lâm (A Lưới) Phạm Văn Vũ:
Học tiếng dân tộc để hiểu các em hơn
Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) năm 2005, thầy giáo Vũ, quê gốc huyện Phong Điền về công tác tại Trường THCS Hương Lâm, được phân công dạy công nghệ và kỹ thuật. Sau đó, thầy được bố trí làm tổng phụ trách Đội. “Khi ấy, ngoài thế mạnh duy nhất là đam mê văn nghệ thì tôi không có chuyên môn gì về công tác Đội”, thầy Vũ chia sẻ.
Thầy Phạm Văn Vũ
Năm đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ, công tác Đội của Trường THCS Hương Lâm chững lại. Như có lỗi với học sinh và sự tin tưởng của Ban giám hiệu nhà trường, thầy Vũ bắt đầu có những trăn trở. Thầy tìm gặp những tổng phụ trách Đội đi trước để học hỏi kinh nghiệm, tự tìm sách, báo viết về công tác Đội để đọc tham khảo. Từ đó, thầy Vũ áp dụng vào thực tế của trường để xây dựng phong trào ngày càng lớn mạnh. Từ năm 2007 đến nay, năm nào công tác Đội của Trường THCS Hương Lâm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp tỉnh.
Là một trường có 92-95% là học sinh các dân tộc thiểu số, đa phần các em đều nhút nhát và rụt rè, nên thầy Vũ tổ chức nhiều phong trào để các em có cơ hội tiếp xúc, rèn luyện. Vào các Ngày Quốc tế thiếu nhi, Trung thu, thầy đều tổ chức văn nghệ, múa lân để các em được tham gia, phát hiện, bồi dưỡng nhân tố tham gia các hội thi như: chỉ huy đội giỏi, tiếng hát sân trường, thành lập Câu lạc bộ “Kỹ năng đội viên”. Thầy cũng phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm tổ chức các chuyến dã ngoại thăm các di tích lịch sử như: sân bay A So, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh cho học sinh.
Để hiểu các em và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, thầy Vũ đã tham gia lớp học tiếng dân tộc thiểu số do huyện A Lưới tổ chức. “Làm công tác Đội rất vất vả nhưng nếu có nhiệt huyết và yêu thương học sinh thì sẽ vượt qua và làm tốt”, thầy Vũ chia sẻ.
Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Thế Lân (xã Quảng Phước, Quảng Điền) Nguyễn Thị Tuyết Nhi:
Không ngừng truyền lửa
Tổng phụ trách Đội thường phải đi sớm, về muộn, tham gia các hoạt động vào các ngày nghỉ. Đối với các giáo viên nam đã khó, với giáo viên nữ càng khó hơn. Tuy vậy, từ nhiều năm nay, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhi vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhi
Tốt nghiệp Khoa Sư phạm Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Huế, cô về giảng dạy tại Trường trung học Nghệ thuật Huế. Năm 2012, lập gia đình nên cô Nhi xin chuyển về làm Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Thế Lân để được gần nhà. Tiếp nhận công việc khi phong trào Đội của trường còn mờ nhạt, điều kiện để tổ chức hoạt động còn hạn chế, nhưng có khiếu văn nghệ, cô Nhi đã nhanh chóng vực dậy phong trào Đội của trường. Ngay trong năm 2012, Liên đội Trường THCS Ngô Thế Lân đã đoạt giải nhất cấp huyện và giải nhì cấp tỉnh hội thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ”. Từ đó đến nay, năm nào tham gia hội thi do Hội đồng Đội cấp trên tổ chức, Liên đội Trường THCS Ngô Thế Lân cũng đều đoạt giải cao. Bản thân cô Nhi năm học vừa qua đã đoạt quán quân hội thi Tổng phụ trách Đội cấp tỉnh. Không những thế, cô Nhi còn tích cực quyên góp vận động các nguồn quỹ mỗi năm hàng chục triệu đồng để giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Chia sẻ kinh nghiệm, cô Nhi cho biết: “Tôi dành hết mọi tâm huyết cho công việc và truyền niềm đam mê ca hát cho các em. May mắn tôi được chồng và người thân trong gia đình ủng hộ nên dành được nhiều thời gian hơn cho công việc của mình”.
Tổng phụ trách Đội Trường THCS Phú Bài (thị xã Hương Thuỷ) Hồ Viết Nguyện:
Sáng tạo để học sinh hào hứng
Đam mê hoạt động phong trào nên tốt nghiệp THPT, Hồ Viết Nguyện đã đăng ký thi vào Khoa Thể dục Đoàn, Đội Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế. Ra trường năm 2010, thầy được nhận vào làm Tổng phụ trách Đội Trường THCS Phú Bài từ đó đến nay. Thầy Nguyện đưa phong trào Đội đi lên không chỉ thành đơn vị mạnh của thị xã mà còn nổi bật trên địa bàn tỉnh.
Thầy Hồ Viết Nguyện
Thầy sáng tạo, đổi mới các phong trào để tạo sức hấp dẫn, thu hút các em đội viên tham gia. Thay vì múa hát sân trường, thầy Nguyện đã tổ chức dân vũ nhằm tạo sự mới mẻ, vui nhộn, phù hợp với nhu cầu của các em đội viên hiện nay. Thầy đã giáo dục tình yêu biển đảo cho các em bằng việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo quê hương, mời các nhân chứng sống để nói chuyện cho các em về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thầy cũng thành lập Câu lạc bộ kỹ năng để các em đội viên có năng khiếu về các phong trào Đội có điều kiện bồi dưỡng, rèn luyện.
Từ môi trường đó, nhiều đội viên của Liên đội Trường THCS Phú Bài đã đạt thành tích trong các hội thi. Tiêu biểu là 5 năm gần đây, năm nào trường cũng có học sinh đoạt giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU cấp tỉnh, trong đó năm học vừa qua, Liên đội Trường THCS Phú Bài đoạt một giải nhất, một giải 3 và hai giải khuyến khích; tham gia hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ đoạt giải 3 cấp tỉnh.
Bài, ảnh: Hải Thuận