ClockThứ Tư, 09/01/2019 05:30

Tháo gỡ vướng mắc trong vay vốn xuất khẩu lao động

TTH - Sau hơn một năm thực hiện chính sách cho vay vốn xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ nguồn vốn ủy thác của tỉnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đã nảy sinh những vướng mắc cần tháo gỡ.

Nhiều cơ hội việc tốt, lương cao cho lao động xuất khẩuXuất khẩu lao động: Không chỉ là việc làm, thu nhập

Xuất khẩu lao động là con đường được nhiều thanh niên lựa chọn lập nghiệp. Ảnh: Daystar

Khó khăn về nguồn vốn

Gia cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Tường (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) phải chật vật xoay sở 150 triệu đồng trang trải chi phí cho con đi XKLĐ ở Đài Loan. Khi biết chủ trương của tỉnh hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) đi XKLĐ được vay tối đa 50 triệu đồng với lãi suất thấp, bà Tường khấp khởi mừng. Tuy vậy, sau gần 2 tháng chờ đợi, bà không tiếp cận được nguồn vốn này. Bà Tường cho biết: “Tôi nhiều lần tới ngân hàng chờ đợi nhưng không vay được nên đành phải “vay nóng” 150 triệu đồng cho con đi XKLĐ”.

Trao đổi về trường hợp của bà Tường, phía NHCSXH cho biết, bà Tường gửi hồ sơ xin vay tại NHCSXH huyện Phong Điền vào ngày 5/3/2018. Thời điểm này, NHCSXH chưa nhận được nguồn vốn ủy thác năm 2018 của tỉnh chuyển sang và chưa phân bổ vốn về cho huyện nên chưa có vốn để cho vay.

Bà Trần Thị Thủy (xã Điền Hương, huyện Phong Điền) gửi hồ sơ xin vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của tỉnh cho con đi XKLĐ ở Nhật Bản. Đến ngày 11/12, đúng lịch NHCSXH về giao dịch tại xã Điền Hương, bà Thủy đã được cho vay số tiền trên. Do không rõ thủ tục, bà phải đi lại khá nhiều lần, thậm chí phải ra Hà Nội để thay đổi hợp đồng, bổ sung giấy tờ. Bà Thủy cho hay: “Một số trường hợp khác ở gần nhà tôi nản nên bỏ cuộc. Nhưng gia đình tôi rất khó khăn, được vay 50 triệu đồng là số tiền lớn nên tôi gắng theo”.

Chưa có thống kê đầy đủ từ phía Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có bao nhiêu trường hợp có nhu cầu vay vốn đi XKLĐ nhưng không vay được. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, một số trường hợp đã không vay được nguồn vốn ưu đãi của tỉnh dành cho XKLĐ.

 Lao động học kỹ năng trước khi đi XKLĐ

Cùng tháo gỡ

Để đẩy mạnh giải quyết việc làm và XKLĐ trên địa bàn tỉnh, trong hai năm 2017 và 2018, UBND tỉnh đã ủy thác cho NHCSXH 12 tỷ đồng cho người dân vay vốn, trong đó ưu tiên cho XKLĐ. Mỗi NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ nếu đủ điều kiện được cho vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng với mức lãi suất Chính phủ cho vay đối với hộ nghèo là 0,55% /tháng. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 41 trường hợp được vay vốn với số tiền 2.045 triệu đồng.

Vướng mắc hiện nay là, nguồn vốn chưa nhiều và chuyển chậm (tháng 5/2018 mới có vốn chuyển cho NHCSXH); hợp đồng vay vốn thực hiện theo mẫu tại Thông tư 22 của Bộ LĐ-TB&XH nhưng một số doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu ghi không đầy đủ thông tin hoặc không ghi chi phí đi XKLĐ vào hợp đồng... Điều này gây khó khăn cho người vay và ngân hàng do hồ sơ không hợp lệ và không có cơ sở xác định mức cho vay trong trường hợp không ghi chi phí. Cũng có trường hợp người dân làm thủ tục không đúng hoặc làm thủ tục vay vốn sau khi con, em của họ đã xuất cảnh, không đảm bảo hồ sơ pháp lý để ngân hàng cho vay.

Ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Năm 2017, khi ngành LĐ-TB&XH tỉnh tham mưu phân bổ vốn về cho các đơn vị cấp huyện thì tách riêng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và cho vay XKLĐ nên có thời điểm bị đọng vốn và xảy ra tình trạng vốn chương trình này còn mà chương trình kia hết, địa phương này hết vốn trong khi địa phương khác còn... Khắc phục tình trạng trên, năm 2018, NHCSXH đã thống nhất với Sở LĐ-TB&XH không tham mưu phân bổ riêng từng chương trình mà chỉ phân bổ tổng hai chương trình và giao NHCSXH cân đối nhu cầu vốn vay và nguồn thu hồi nợ hàng kỳ để cho vay, tránh đọng vốn gây lãng phí, trong đó ưu tiên vốn cho vay XKLĐ. 

Với những trường hợp có nhu cầu vay vốn XKLĐ gặp vướng mắc, khi có thông tin được phản ánh trực tiếp đến Sở LĐ-TB&XH, đích thân Giám đốc Sở phối hợp với lãnh đạo NHCSXH tháo gỡ kịp thời cho từng trường hợp. Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Thực tế một số chi nhánh của NHCSXH ở các huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ vay vốn theo chính sách của tỉnh, nhưng có nơi vẫn chưa thực sự vào cuộc. Đây là chủ trương của tỉnh, ngành LĐ-TB&XH, NHCSXH tỉnh cùng các cơ quan liên quan cần hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết cho NLĐ gặp khó khăn về kinh phí”.

Quan điểm của ngân hàng là khi có nguồn vốn phải tập trung giải quyết cho vay kịp thời, không để đọng vốn, trong đó ưu tiên cho XKLĐ. Ông Thọ nhấn mạnh: “Ngay khi thực hiện quyết định của UBND tỉnh, lãnh đạo ngân hàng đã chỉ đạo, nhắc nhở cán bộ đây là chủ trương lớn của tỉnh, phải triển khai cho vay kịp thời, đúng quy định khi hộ vay có nhu cầu vay và đủ điều kiện. Trường hợp nào cán bộ nghiệp vụ xử lý chưa tròn thì chúng tôi chấn chỉnh ngay”.

Ông Thọ thông tin thêm: “NHCSXH tổ chức hoạt động điểm giao dịch xã vào một ngày cố định trong tháng. Nếu cần giải quyết sớm để kịp ngày bay, người vay có thể đến nhận tiền vay tại trụ sở NHCSXH cấp huyện. Trường hợp NLĐ đã làm hồ sơ trước nhưng đến ngày gần bay có trở ngại thủ tục do nguyên nhân khách quan, nếu người thân ở nhà bổ sung đầy đủ theo quy định vẫn được NHCSXH xem xét giải quyết”.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Thông báo tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2024

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế (Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế) thông báo tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2024 như sau:

Thông báo tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2024
Thông tin doanh nghiệp:
Đồng Phục Tiến Bảo - Thương hiệu bảo hộ lao động chất lượng uy tín

Đồng Phục Tiến Bảo là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo hộ lao động tại Việt Nam, Tiến Bảo tự hào là đối tác tin cậy của hàng ngàn doanh nghiệp, tập đoàn lớn các khách hàng của chúng tôi như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Cao Su Miền Nam, Tập đoàn Đèo Cả…

Đồng Phục Tiến Bảo - Thương hiệu bảo hộ lao động chất lượng uy tín

TIN MỚI

Return to top