ClockChủ Nhật, 03/11/2019 15:28

20 năm sau trận lũ lịch sử: Hồi sinh những làng quê

TTH.VN - Sáng 3/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và một số lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã có chuyến thăm, tặng quà một số địa bàn - nơi từng xảy ra thiệt hại nặng nề về người của trận đại hồng thủy năm 1999.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi quà tặng người dân làng Rồng

Người dân làng Rồng xúc động khi kể về trận đại hồng thủy cách đây 20 năm với Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ

Làng Rồng khởi sắc

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình có người thiệt mạng trong trận lũ lịch sử cách đây 20 năm. Trong đó có làng Rồng (thị trấn Thuận An - Phú Vang) nơi có 64 hộ gia đình với 276 nhân khẩu sinh sống. Vượt lên những mất mát, thiếu thốn của những ngày đầu, cuộc sống của người dân làng Rồng hôm nay đã có những khởi sắc, người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, sau 20 năm xảy ra cơn lũ lịch sử, được sự hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, tất cả các khu vực dân cư thiệt hại do cơn lũ 1999 đã được hồi sinh, trong đó có làng Rồng. Lúc bấy giờ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho xây dựng và đặt tên với mong muốn những người dân còn sống sót sau trận lũ lịch sử đó sẽ có cuộc sống đầy đủ, ấm no và phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện nay, đời sống người dân với 64 hộ đã từng bước ổn định. Mất mát rồi cũng qua đi, bà con tập trung xây dựng, phát triển nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh thắp hương tưởng niệm tại gia đình có đến 12 người thiệt mạng trong trận đại hồng thủy năm 1999

“Qua nói chuyện với bà con làng Rồng và được ngắm nhìn cơ ngơi với nhiều khởi sắc, những ngôi nhà mới vươn cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ, tôi rất vui mừng. Càng vui mừng hơn khi được biết trong làng Rồng hiện chỉ có 2 hộ cận nghèo; hơn 270 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng là mức sống khá”- Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Chị Đinh Thị Vẫn, người có chồng mất trong lũ 1999 chia sẻ, sau những ngày đầu khó khăn, đến nơi ở mới gia đình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Đến nay, công việc của chị ổn định, có nhà cửa khang trang; các con đã khôn lớn và được học hành đầy đủ.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, 20 năm qua, làng Rồng luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ Trung ương cho đến địa phương, nhất là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Bằng nghị lực tự vươn lên, người dân nơi đây đã có cuộc sống ổn định. Trong số những đứa trẻ trong làng được sinh ra sau trận lũ, nhiều em đang là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng.

Quan tâm hơn công tác phòng, chống thiên tai

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ân cần thăm hỏi một nhân chứng tại Mũi Né

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đến thắp hương khu thờ chung 13 người từng là nạn nhân của đợt sạt lở khủng khiếp trong đợt lũ lịch sử năm 1999 ở Mũi Né (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc). Trực tiếp đến nhiều hộ dân, nhìn cuộc sống bà con ổn định, vượt qua khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh rất mừng. “Trải qua biến cố lớn như vậy, nhưng với sự hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và bản thân phấn đấu tích cực, người dân đã vượt qua và ổn định cuộc sống”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong phòng, chống lụt bão, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, công tác tuyên truyền phòng, chống bão lụt rất quan trọng, là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ toàn dân, trong đó lấy phòng ngừa là chính. Nâng cao nhận thức cảnh báo, phòng ngừa là một trong những nội dung cần được quán triệt sâu rộng. Những nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão, người dân phải được sơ tán, di dời trước khi bão đến.

“Trong quá trình xử lý bão lụt cần huy động phương châm "5 tại chỗ", trong đó chú trọng công tác cảnh báo và tuyệt đối không được chủ quan khi đã có cảnh báo, khuyến cáo, nhất là trong diễn biến khí hậu phức tạp như hiện nay”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.  

Về phòng, chống biến đổi khí hậu, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ tăng cường nguồn lực xây dựng hệ thống đê kè, xử lý những vùng bị hư hỏng; tăng cường phương tiện, trang thiết bị, vật chất phục vụ công tác phòng, chống bão lụt. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống công trình hồ chứa nước và hệ thống công trình thủy lợi; chủ động xả nước đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã đầy và gần đầy nước để đảm bảo an toàn công trình và đón lũ theo quy trình vận hành.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tặng quà đến gia đình có người thân thiệt hại trong lũ năm 1999

Đoàn đã đến thắp hương, dâng hoa tại nơi thờ 2 liệt sĩ gồm: Đại úy Phạm Văn Điền, Binh nhất Lê Đình Tư, cán bộ Hải Đội 2 (Bộ đội biên phòng tỉnh) hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu dân trong trận lũ năm 1999.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 tiếp tục nêu gương hy sinh của các anh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi Đại hội đồng AIPA-45

Sáng 19/10, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Đại hội đồng AIPA-45 với chủ đề "Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN" chính thức khai mạc với sự tham dự của đoàn đại biểu các Nghị viện/Quốc hội thành viên, quan sát viên và đối tác phát triển của AIPA. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có thông điệp gửi Đại hội đồng AIPA-45. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn thông điệp.

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi Đại hội đồng AIPA-45
Return to top