ClockThứ Sáu, 26/11/2021 14:27

An tâm, an toàn đến nhà máy

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định 3031/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong quá trình phục hồi, phát triển và thích ứng an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Gần 2 năm qua, dịch COVID-19 tác động hầu hết các mặt đời sống, kinh tế, xã hội của nước ta. Đặc biệt trong đợt thứ tư này, dịch COVID-19 với biến chủng delta lây lan nhanh đã làm “đỏ” bản đồ các tỉnh, thành ở các mức độ khác nhau. Khi dịch lây lan trên diện rộng, hầu hết các ngành kinh tế, doanh nghiệp đều bị tác động tiêu cực.

Trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng gặp khó khăn chung là gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, lưu thông hàng hóa do việc hạn chế lưu thông giữa các quốc gia, các vùng, các địa phương; chi phí logistics tăng, nhất là hàng xuất khẩu bằng đường biển…

Ở phạm vi hẹp từng địa phương, doanh nghiệp, những nơi phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội dài ngày khiến các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, đơn hàng bị hủy, người lao động mất việc làm. Không ít doanh nghiệp lao đao, thậm chí phải giải thể, bán nhà xưởng, máy móc để trả nợ. Với những doanh nghiệp cầm cự được thì hiệu quả sản xuất cũng giảm sút do phải tốn kém nhiều chi phí khi thực hiện phương án sản xuất “ba tại chỗ” hay “một cung đường hai điểm đến”; chi phí xét nghiệm, khẩu trang, khử khuẩn…

Với Thừa Thiên Huế, trong đợt dịch thứ tư này sản xuất công nghiệp có vẻ khả quan hơn. Nhận định như vậy, bởi theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 tăng 3,83% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng, chỉ số này tăng 5,26% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành có chỉ số tăng trưởng tốt là công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,27%, sản xuất, phân phối điện, nước đá ước tăng  6,65%. Đáng ghi nhận, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá như: sợi các loại tăng 14,2%; quần áo lót tăng 28,9%; tôm đông lạnh tăng 6,1%; men frit tăng 7%; quặng inmenit và tinh quặng inmenit tăng 11,9%; dăm gỗ tăng 15%; điện sản xuất tăng 8,3%... Tuy vậy, cũng có một số sản phẩm có sản lượng giảm như đá vôi, vỏ lon nhôm, tấm lát đường và vật liệu lát, phân vô cơ…

Hiện nay, với việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021 mới đây, Chính phủ bàn đến việc xây dựng đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhắc lại điều này để thấy, nhiệm vụ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, nhất là khu vực sản xuất công nghiệp - động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế - là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Làm gì và làm như thế nào để phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay là vấn đề cần xem xét, cân nhắc cụ thể cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô. Trước mắt, việc hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo tỉnh là cần thiết. Khi phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó, duy trì sản xuất kinh doanh trước các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Tuy nhiên, điều cần quan tâm lúc này là phòng, chống dịch hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động, người lao động an tâm, an toàn đến nhà máy. Ngoài đẩy nhanh tiến độ phủ kín vắc-xin, cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp khi xảy ra tình huống xuất hiện các “F” trong nhà máy. Nếu để doanh nghiệp tự lo hay người lao động phải tự bỏ kinh phí xét nghiệm sẽ có nguy cơ giấu dịch, chậm phát hiện dịch. Khi đó, không chỉ mục tiêu phục hồi sản xuất ở khu vực này không đạt được, mà còn làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng…

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Ứng dụng của băng tải xích
Return to top