ClockThứ Bảy, 31/01/2015 16:41

An toàn bữa ăn ngày tết

TTH - Càng gần Tết Nguyên đán Ất Mùi, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng mạnh, thị trường hàng hóa phục vụ Tết càng thêm sôi động. Vì vậy, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng diễn biến phức tạp.

Cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra một cách dai dẳng, quyết liệt. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia chống gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), năm 2014, các bộ ngành, địa phương đã phát hiện, xử lý trên 206 nghìn vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 13 nghìn tỷ đồng; khởi tố hơn 2 nghìn vụ án hình sự, 2.275 đối tượng. Tại Thừa Thiên Huế, năm 2014 lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra gần 5 nghìn vụ, tổng giá trị thực hiện trên 2,7 tỷ đồng.

Trong những ngày qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều vụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn bị các cơ quan chức năng phát hiện. Hàng hoá vi phạm gồm đủ loại, từ hàng cấm như ma tuý, pháo nổ, đồ chơi bạo lực đến các loại rượu ngoại, thuốc lá, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, bột ngọt, thực phẩm tươi sống đang phân huỷ, bốc mùi... Những vụ việc được phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng, còn thực tế tình trạng trên đang diễn ra ở quy mô và mức độ lớn hơn rất nhiều. Điều này càng làm tăng thêm nỗi lo của người tiêu dùng về VSATTP, nhất là Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến gần.
Ăn, uống là nhu cầu thiết yếu của con người. Đời sống càng phát triển thì nhu cầu về thực phẩm càng phong phú, đa dạng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là cơ hội làm ăn của các nhà sản xuất kinh doanh chân chính, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ để những kẻ làm ăn bất chính trục lợi. Những kẻ buôn gian, bán lận không từ bất cứ một thủ đoạn nào miễn là thu được lời. Hậu quả, người tiêu dùng mua thực phẩm gì, ăn món gì cũng nơm nớp sợ ngộ độc. Người sản xuất chân chính lao đao, thậm chí bị phá sản vì không cạnh tranh được hàng giả. Ngay cả những người sản xuất, buôn bán nhỏ đôi lúc vô tình trở thành kẻ tiếp tay gây hại người tiêu dùng và chính bản thân mình.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với việc tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương và địa phương nhằm kiểm tra, giám sát công tác ATVSTP, rất cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự chung tay của người tiêu dùng trong việc phát hiện, đấu tranh chống lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, “vạch mặt, chỉ tên”, công khai những cơ sở sản xuất, các loại thực phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các trung tâm thương mại để giúp người tiêu dùng nhận biết thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào không an toàn để họ có lựa chọn, giải pháp hữu hiệu nhất. Khi đó người tiêu dùng sẽ dùng quyền “nói không” của mình để loại trừ những thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh ra khỏi cuộc sống.
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

TIN MỚI

Return to top