Một trong những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh ở nước ta là nhiều trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện tại các khu công nghiệp ở Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương… không chỉ tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trong các cụm, khu công nghiệp. Đây đều là những ổ dịch phức tạp, nếu không làm tốt việc khoanh vùng dập dịch, có thể tác động đến cả chuỗi sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất là cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lần đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020. Khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do việc cung ứng nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm bởi việc phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động tạm thời giãn việc, mất việc.
Tuy nhiên, với việc Chính phủ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển sản xuất kinh doanh, Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới trong khống chế dịch COVID-19 và phát triển kinh tế trong năm 2020 và đầu năm 2021.
Kiên trì thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong nhiều cuộc họp của Chính phủ và các buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở Việt Nam với biến chủng mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng và tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, có nguy cơ đe dọa đến mục tiêu duy trì phát triển sản xuất kinh doanh. Bởi, các nhà máy, cụm/khu công nghiệp là nơi tập trung đông người, đến từ nhiều địa phương khác nhau nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Với tinh thần phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo huyện, xã lo xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình, vì sức khỏe cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc…”, mỗi doanh nghiệp cần phát huy vai trò, trách nhiệm, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho chính doanh nghiệp mình. Mỗi doanh nghiệp phải trở thành một “pháo đài” phòng chống COVID-19, đảm bảo an toàn trong nhà máy, cho người lao động, góp phần đảm bảo an cộng đồng, xã hội.
Với Thừa Thiên Huế, trong những ngày qua lãnh đạo tỉnh liên tục đi kiểm tra, làm việc, chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và xây dựng các kịch bản phòng chống dịch để đảm bảo an toàn sản xuất.
Thực ra, không phải bây giờ vấn đề này mới đặt ra. Từ tháng 7/2020, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh kèm hướng dẫn bộ tiêu chí thực hiện tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Bộ tiêu chí quy định rõ trách nhiệm của người lao động, người quản lý, người sử dụng lao động, khách đến thăm, làm việc.
Theo đó, mỗi đối tượng đều phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho cá nhân và doanh nghiệp. Vấn đề còn lại chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch.
Đảm bảo an toàn dịch bệnh tại nhà máy không chỉ là trách nhiệm, mà còn là quyền lợi của người sử dụng lao động lẫn người lao động. Nhà máy, xí nghiệp an toàn thì người lao động mới có việc làm, thu nhập và chủ doanh nghiệp mới duy trì, phát triển sản xuất, góp phần vào thực hiện mục tiêu kép của cả nước.
Hoàng Minh