ClockThứ Tư, 16/06/2021 14:55
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021)

Ảnh báo chí chưa bao giờ mất vị thế và giá trị

TTH - Giờ đây, với máy ảnh kỹ thuật số, với các loại smartphone hiện đại mà tính năng chụp ảnh không thua gì máy chuyên dụng, nhưng ở các giải báo chí, ảnh báo chí gửi dự thi vẫn còn rất ít; ảnh cho các số báo ở các tòa soạn vẫn luôn là “khâu yếu”. Đó phải chăng là nghịch lý…

Gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt NamThủ tướng gửi thư chúc mừng nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt NamHình tượng Bác Hồ trên báo chí cách mạng ở miền Nam: 1945 – 1975

Sinh hoạt nghiệp vụ ảnh báo chí tại Chi hội Nhà báo Báo Thừa Thiên Huế

Có duyên được kết bạn với một số ông anh lớn tuổi, mưu sinh bằng nghề chớp ảnh dạo, được các anh hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản, được dẫn vào phòng tối để xem kỹ thuật tráng phim, rọi ảnh… tôi bỗng mê lây cái nghề chơi trò ma mị với ánh sáng này.

Rồi bằng cách nào đó, tôi đã “dụ dỗ” được mẹ cho 1 chỉ vàng, mua một cái Canon “cửa sổ”, đi đâu cũng toòng teeng ngắm nghía rất khí thế. Ngắm… làm màu thôi, chứ còn để “bấm máy” là cả quyết định lớn. Bởi với sinh viên thời thập niên tám mươi của thế kỷ trước, 1 cuộn phim trắng đen hiệu Kodak hay Konica là cả gia tài. Chưa kể sau chụp còn là in tráng…

Cũng nhờ tập chụp ảnh sớm nên sau này xin đi làm báo, chụp ảnh không là cái gì đó quá ngỡ ngàng với tôi. Rồi với cái máy cửa sổ, tôi được ban biên tập… tín nhiệm cử đi đưa tin một số sự kiện quan trọng. Trong đó, đáng nhớ nhất là được tháp tùng lãnh đạo tỉnh về sân bay Phú Bài đón cố vấn cấp cao Nhà nước Singapore Lý Quang Diệu đến thăm Huế. Về đến nơi, thấy phóng viên báo chí Trung ương, báo chí quốc tế với những chiếc máy ảnh khủng, cái Canon cửa sổ của tôi trở nên bé mọn đến tội nghiệp. Vậy mà cũng có ảnh để đăng với thiên hạ, cũng đỡ tủi.

Sau này, cơ quan có nguồn và có cơ chế, chúng tôi “góp vốn” để được trang cấp máy ảnh tác nghiệp. Máy Nikon reflect, ngắm trực tiếp, khỏi lo… quên mở nắp ống kính như máy “cửa sổ”. Và tuy chỉ là ống kính normal 50mm thôi, nhưng đó là cả sự đổi đời lột xác. Với cái máy này, tôi đã tham gia nhiều sự kiện thời sự được phân công. Chụp về, trùm chăn để cắt-nối phim, gói thật kín, bởi nếu để “lộ sáng” là xem như ăn mày.

Đem ra tiệm ảnh gửi tráng, trong thời gian chờ ảnh ra thì lo viết tin. Nộp tin cho tòa soạn xong thì lọc cọc đạp xe về hiệu ảnh để lấy ảnh. Tâm trạng rất hồi hộp, bởi không biết ảnh mình chụp có nét, có đủ sáng, có đạt bố cục không. Lấy được ảnh lại lọc cọc trở lại tòa soạn nộp. Được đăng thì xem như có khả năng “thu hồi vốn”. Out thì đành… “ôm hận”, chẳng dám ý kiến ý cò với ai.

Năm 2000, tôi may mắn được dự lớp tập huấn chụp ảnh tại TP. Hồ Chí Minh do Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF) tổ chức. May mắn hơn là tại lớp tập huấn này, chúng tôi được dịp tiếp xúc, chia sẻ với những phóng viên ảnh nổi tiếng thế giới như Horst Faas (người Đức, 1933-2012) - một phóng viên ảnh huyền thoại của hãng thông tấn AP và thế giới; Nick Út (Huỳnh Công Út - người Mỹ gốc Việt), làm phóng viên ảnh cho hãng AP tại Việt Nam từ năm 16 tuổi, người nổi tiếng với bức ảnh “Em bé napalm”; Tim Page, phóng viên ảnh chiến trường ở Việt Nam cho UPI, AP, và tờ Paris Match; Peter Arnett, phóng viên AP tác nghiệp ở Việt Nam trong suốt 13 năm (1962-1975)…

Cũng tại lớp học này, lần đầu tiên tôi được tận thấy cái máy ảnh kỹ thuật số (KTS) nó ra làm sao, được ban tổ chức cho mượn hẳn một chiếc to tổ chảng đi lang thang chụp ảnh khắp Sài Gòn. Không như máy chụp phim, với chiếc máy KTS, mình có thể xem được ngay bức ảnh mình vừa bấm nó thế nào để mà rút kinh nghiệm.

Và điều thoải mái nhất với những phóng viên của những tờ báo “nhà nghèo” như chúng tôi là… không lo tốn phim. Cứ chụp và chụp, bao giờ mỏi tay và hết pin thì thôi, khỏi lăn tăn chụp bao nhiêu tấm, bao nhiêu cuộn (phim), tốn bao nhiêu tiền…

Rời lớp ảnh IMMF, tôi mang theo giấc mơ cơ quan nơi mình công tác cũng sẽ có một vài chiếc như thế để anh em tác nghiệp. Rồi với sự phát triển của công nghệ, sự tăng trưởng của kinh tế. Không lâu sau đó, máy ảnh KTS cũng bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng phủ sóng trong đội ngũ phóng viên cơ quan tôi.

Quá kinh tế và tiện dụng. Với chiếc máy ảnh KTS trong tay, các đồng nghiệp bây giờ đã vĩnh viễn rời xa cái cảnh đưa tin khai mạc Festival Huế như của tôi một dạo: Lủi bộ vào quảng trường Ngọ Môn - nơi đặt sân khấu chương trình khai mạc (lủi bộ đơn giản vì như thế sẽ nhanh hơn đi xe do lượng người dồn về đông, cổng ra vào thành thì nhỏ, không xe nào đi được).

Chương trình “hòm hòm” thì lo ra sớm, cũng để tránh tắc đường, phóng về tiệm ảnh cắt phim, rồi lên tòa soạn viết bài, xong quay trở lại tiệm lấy ảnh… Bây giờ ngồi tại chỗ, bấm thoải mái, lựa chọn thoải mái, xong cũng chẳng cần phải về, nối mạng, click chuột, lập tức ở tòa soạn có bài, có ảnh. Sướng đến thế là cùng.

Các loại hình báo chí, mạng xã hội… dù có phát triển đến thế nào đi nữa thì ảnh báo chí cũng chưa bao giờ mất đi vị thế và giá trị của nó. Một bức ảnh có khi chuyển tải thông tin/thông điệp hơn cả một bài báo hay một phóng sự tràng giang đại hải. Đó hoàn toàn không phải lý thuyết hoặc do dân chụp ảnh “hoa lên” cho sướng mồm, mà lịch sử báo chí đã và đang chứng minh điều đó.

Và giờ đây, với máy ảnh KTS, với các loại smartphone hiện đại mà tính năng chụp ảnh có khi cũng không thua gì máy chuyên dụng, nhưng ở các giải báo chí, ảnh báo chí gửi dự thi vẫn còn rất ít, số tác phẩm đoạt giải cũng không nhiều. Và ảnh cho các số báo ở các tòa soạn vẫn luôn là “khâu yếu”. Đó là nghịch lý mà không ai khác, trước hết tự thân mỗi nhà báo cần tìm lời giải.

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội

Đông đảo các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, các bạn trẻ trên địa bàn TP. Huế đã đến xem các bộ phim điện ảnh, tài liệu xoay quanh đề tài quân đội và người lính trong đợt phim Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội
Return to top