ClockThứ Bảy, 27/11/2021 14:59

Ban hành Nghị quyết về Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Nghị quyết nêu rõ: Sau 16 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra, thông qua 12 nghị quyết, cho ý kiến 5 dự án luật...

Tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để tăng trưởng bền vững"Cú hích" cho Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽQuốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế

Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 42/2021/QH15 về Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết nêu rõ: Sau 16 ngày làm việc gồm hai đợt họp trực tuyến kết hợp với tập trung, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng chủ động, trách nhiệm, đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, được đông đảo cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua hai luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Quốc hội thông qua 12 nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022; Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; bốn nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên-Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Sau khi xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác ngành kiểm sát; công tác của các tòa án năm 2021 và một số báo cáo khác, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động, linh hoạt, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19, vừa từng bước phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, phấn đấu đạt ở mức cao nhất các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn với việc tổ chức thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; trong đó, tập trung ưu tiên các nhiệm vụ lập pháp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết trong năm 2022 và kiến nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đạt các chỉ tiêu đã được Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án; đẩy nhanh tiến độ việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Quốc hội đề nghị các cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; nghiên cứu xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện tiếp công dân trực tuyến phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Quốc hội cũng đề nghị tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, tồn đọng, kéo dài; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là các vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; tổ chức thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho các địa phương giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia nhằm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, ban hành cơ chế tài chính và chính sách cán bộ phù hợp, tạo điều kiện phát triển y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, công tác giám định bảo hiểm y tế...

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương đánh giá kết quả thực hiện việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm kịp thời chế độ, chính sách cho các nhóm đối tượng...

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm việc thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời hạn.

Khẩn trương đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 một cách tổng thể, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ các nhóm đối tượng bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn cũng như các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm cải thiện khả năng tiếp cận, nâng cao tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ.

Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả.

Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cơ chế huy động đầu tư vào hoạt động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế trong nước; có kế hoạch để chủ động về vaccine và thuốc điều trị COVID-19; tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Di sản văn hóa; Luật Công chứng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công đoàn; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua
Return to top