|
Chế độ chính sách đảm bảo góp phần để lực lượng DQTV yên tâm công tác |
Ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng (Nam Đông) cho biết, trang phục DQTV đã được bảo đảm thống nhất. DQTV tham gia huấn luyện, hoạt động được chi trả trợ cấp ngày công lao động theo quy định của pháp luật về DQTV. Các chức danh Chỉ huy phó Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) xã, thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng; Trung đội trưởng Trung đội DQTV cơ động được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù quân sự; riêng chức danh Chỉ huy phó Ban CHQS xã còn được địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội; dân quân thường trực cũng được địa phương chi trả phụ cấp hằng tháng.
Không riêng Thượng Quảng, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nam Đông, lực lượng DQTV đều được chính quyền địa phương quan tâm đầy đủ các chế độ chính sách.
Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, chú trọng xây dựng LLVT địa phương, nhất là lực lượng DQTV có tổ chức, biên chế, trang bị phù hợp, được huấn luyện chu đáo, chất lượng chính trị và độ tin cậy cao, bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ở cơ sở là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Thực hiện chế độ chính sách cho DQTV đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. UBND các cấp đã phối hợp với Ban CHQS các cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách cho lực lượng DQTV. Tuy nhiên, hiện mức đóng bảo hiểm xã hội của các địa phương chưa thống nhất, một số địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã mức 22%, nhưng cũng có nơi đóng thấp hơn, ở mức 18%, thậm chí có nơi 14%.
Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VII, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh tờ trình về mức chi phụ cấp hàng tháng, tiền ăn, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã; phụ cấp hằng tháng của thôn đội trưởng; mức chi phí đi lại cho DQTV để có cơ sở pháp lý thực hiện việc chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng trên theo quy định mới của Trung ương. Đây là bước đi cần thiết trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về chế độ, chính sách của DQTV.
Theo quy định, mức phụ cấp hằng tháng của Chỉ huy phó được tính và chi trả theo tháng bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số là: 1,0. UBND tỉnh đề nghị nâng mức này lên 1,5 do đây là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nhưng trên thực tế khối lượng công việc khá nhiều.
Đồng thời, quy định mức hỗ trợ tiền ăn trong thời gian đào tạo, tập huấn, huấn luyện là 47.000 đồng/người/ngày. Về đóng BHXH, nhằm bảo đảm tính công bằng giữa các địa phương và sự thống nhất chung trong toàn tỉnh, nay đề nghị mức đóng bảo hiểm xã hội là 22% (trong đó UBND xã hàng tháng đóng 14%, người lao động hàng tháng đóng 8%).
Tương tự, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% mức lương cơ sở (trong đó UBND xã hàng tháng đóng 3%, người lao động hàng tháng đóng 1,5%). Đối với thôn đội trưởng, mức phụ cấp hàng tháng được quy định bằng 0,5 mức lương cơ sở. Mức chi phí đi lại cho DQTV được hưởng như cán bộ công chức cấp xã.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, qua thẩm tra, Ban Pháp chế nhất trí với mức phụ cấp hằng tháng cho Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã bằng 1,0 mức lương cơ sở. Tuy nhiên, với đặc thù Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm trong địa bàn xung yếu về quốc phòng - an ninh, giữ vị trí chiến lược trong thế trận phòng thủ của Quân khu IV và cả nước, đồng thời, do tính chất quan trọng của nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới, Ban Pháp chế đề nghị HĐND tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ thêm mức phụ cấp hằng tháng cho chức danh Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã bằng hệ số 0,5 mức lương cơ sở từ nguồn ngân sách địa phương (tổng cộng bằng 1,5 mức lương cơ sở).
Bài, ảnh: Thái Bình