ClockThứ Năm, 29/08/2019 11:14

Bão số 4 tăng tốc, đi vào Nghệ An-Quảng Bình vào sáng đến trưa mai

Theo dự báo, bão số 4 tăng tốc đi chuyển theo hướng Tây và đổ bộ vào đất liền từ Nghệ An - Quảng Bình vào sáng đến trưa ngày mai (30/8).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chủ động mọi phương án ứng phó với bão số 2

Sáng 29/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trực tiếp chỉ đạo cuộc họp.

 

Toàn cảnh cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, 2h30 ngày 29/8 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc đã phát thông báo khẩn cấp về bão số 4.

“Dự báo chiều tối nay (29/8) bắt đầu có mưa từ các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Bình. Bão số 4 có thời gian đi khả năng sẽ nhanh hơn, dự báo bão sẽ tăng tốc và di chuyển theo hướng Tây và đổ bộ vào khu vực Nghệ An – Quảng Bình vào sáng đến trưa ngày mai (30/8) với cường độ thời điểm đó là vào cấp 8 – 9 giật cấp 11. Trước trong và sau bão sẽ gây mưa lớn kéo dài tới khu vực Bắc Trung Bộ sau đó lan ra khu vực phía Bắc”, ông Khiêm cho hay.

Phát biển tại cuộc họp, Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo thông tin từ đại diện Bộ đội biên phòng hiện vẫn còn tàu hiện vẫn chưa liên lạc được, đề nghị Bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng kiểm ngư và các địa phương thông báo liên hệ cho các tàu sớm vào bờ an toàn. Đề nghị các ban ngành, các địa phương không được chủ quan trong ứng phó, cần lưu ý đến tương tác ảnh hưởng ở Cà Mau và Kiên Giang.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu Ban chỉ huy các tỉnh kiểm tra, đôn đốc, sắp đặt khu neo đậu đặc biệt không để người dưới tàu. Vùng xung yếu nguy hiểm thì tổ chức sơ tán. Cần lưu ý tăng cường phương tiện ở Sông Gianh (Quảng Bình) vì nơi đây đã từng xảy ra nhiều thiệt hại lớn. Đang có hiện tượng mưa đuổi, mưa lớn ở bắc Trung Bộ sau đó hoàn lưu mở rộng ra phía Bắc cần chỉ đạo thường xuyên đôn đốc chỉ đạo cho kịp thời hiệu quả.

Các địa phương phải kiên quyết nhắc nhở an toàn cho du khách và người nuôi trồng thủy hải sản vì bão đổ bộ vào đúng dịp nghỉ lễ 2/9. Không chủ quan đặc biệt trong công tác dự báo. Cơn bão này hết sức nguy hiểm, cần tổ chức có các đoàn công tác phối hợp trực tiếp với các ngành và các địa phương để chỉ đạo đôn đốc ứng phó với bão”./.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vào hồi 4 giờ ngày 29/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 480km, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Bình khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 04 giờ ngày 30/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Bình khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đến 16 giờ ngày 30/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào.Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Từ tối nay (29/8), ở Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Từ đêm nay (29/8), ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa-Quảng Bình nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m. 

Các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị từ sáng sớm ngày 30/8 gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều và đêm 29/8 đến ngày 02/9 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to; Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực:

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị: 250-400mm; Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ: 200-300mm; Khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Đà Nẵng: 100-200mm; Khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ: 50-120mm.

Cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Trên các sông suối trên lưu vực sông Hồng- Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-7m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao và lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà, sông Hoàng Long có khả năng đạt mức báo động (BĐ)1-BĐ2; thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh lên mức BĐ2-BĐ3, hạ lưu lên mức BĐ1-BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1-BĐ2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt là Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; Ngập lụt tại thành phố Hà Nội, các khu đô thị thuộc đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top