ClockThứ Tư, 07/11/2018 10:12

Bền vững cho giáo dục & đào tạo

TTH - Đó là một trong những nội dung của Kế hoạch 187/KH-UBND về việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD &ĐT) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành.

Lâu nay, công tác GD & ĐT trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng hành của toàn xã hội. Hệ thống trường học được phân bố rộng khắp từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa; chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học không ngừng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và THCS mức độ 1. Nhiều học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế...

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền giáo dục tỉnh nhà vẫn còn tồn tại không ít những bất cập. Rõ nhất là sự chênh lệch trong điều kiện dạy và học giữa các vùng miền; số người chưa biết đọc, biết viết vẫn còn tồn tại, nhất là một số địa phương vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, cơ sở vật chất tại một số điểm trường chưa đảm bảo; toàn tỉnh vẫn còn trên 100 điểm trường xuống cấp và thiếu 444 phòng học. Nhiều trường có nguy cơ mất chuẩn do cơ sở vật chất xuống cấp. Trình độ kiến thức, kỹ năng sống, phẩm chất đạo đức của một bộ phận học sinh còn hạn chế, nên khi ra đời gặp phải không ít khó khăn. Nạn bạo hành học đường vẫn xảy ra, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Kế hoạch phát triển bền vững lĩnh vực GD & ĐT nhằm xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Theo đó, sẽ đảm bảo tất cả các trẻ em gái và trai hoàn thành giáo dục tiểu học, giáo dục THCS miễn phí, công bằng, có chất lượng; mọi người được tiếp cận giáo dục sau phổ thông có chất lượng, với chi phí học tập phù hợp với mức sống và mức thu nhập; được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững; đảm bảo quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình, không bạo lực, thích ứng cao với sự đa dạng văn hóa, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc...

Đây cũng là giải pháp cần thiết, cấp bách trong xu thế hội nhập hiện nay. Để đạt được, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của giáo viên, phụ huynh, học sinh nói riêng cũng như các cấp chính quyền, toàn xã hội nói chung trong việc đổi mới tư duy dạy và học, phù hợp với xu thế phát triển. Trước tiên là xây dựng môi trường văn hóa nhà trường, văn hóa trong học tập; tạo môi trường học tập công bằng, toàn diện ngay trong mỗi trường học. Cùng với việc phổ cập kiến thức, cần quan tâm hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; như Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm gì cũng khó”.

Điều quan trọng nữa là kinh phí để thực hiện. Trước mắt, cần huy động các nguồn lực để khắc phục sớm tình trạng xuống cấp, thiếu phòng học tại một số điểm trường hiện nay; đồng thời, tiến hành rà soát, ưu tiên đầu tư hạ tầng trường lớp tại các vùng có hạ tầng giáo dục chưa đảm bảo; sớm có chính sách miễn giảm học phí cho con em có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật để ai cũng có điều kiện đến trường; tạo đà để từng bước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực GD &ĐT trên địa bàn.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

TIN MỚI

Return to top