ClockThứ Tư, 15/02/2023 14:58

Bổ sung việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người nghèo

Sáng 15/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp tục điều hành Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hộiQuy định rõ tiêu chí về nội dung kỳ họp bất thườngKhai mạc Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật BVQLNTD (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Đề cập về các các vấn đề đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm UBKHCN&MT Lê Quang Huy nêu rõ, để làm rõ hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Về trách nhiệm của người tiêu dùng (Điều 5), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Thường trực UBKHCN&MT thấy rằng, việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ. Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 8), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nhóm người nghèo vào dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBKHCN&MT đã bổ sung điểm g bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người nghèo (“thành viên của hộ nghèo”) tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Thường trực UBKHCN&MT nhận thấy, việc bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ không bảo đảm chất lượng trong các lĩnh vực như viễn thông, tài chính, bảo hiểm… đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng một cách đầy đủ và đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm đối với dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết; trong đó, khoản 4 đã quy định về yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Chủ nhiệm UBKHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật cũng đã bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định chung về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng (khoản 2 Điều 39); trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian (khoản 3 Điều 39); xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số (khoản 1 Điều 39); thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch trên nền tảng số (điểm n khoản 3 Điều 39)…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện BVQLNTD. Dự thảo Luật cũng đã quy định về việc xây dựng cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan như trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ (khoản 7 Điều 74); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 76)…

Về các vấn đề cần xin ý kiến, Chủ nhiệm UBKHCN&MT Lê Quang Huy nêu rõ, về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3), Thường trực UBKHCN&MT đề xuất 2 phương án tiếp thu như trong dự thảo Luật để xin ý kiến UBTVQH: Phương án 1, giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”. Phương án 2, giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”. Thường trực UBKHCN&MT thống nhất theo Phương án 1.

Cơ bản thống nhất nội dung giải trình của UBKHCN&MT, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về khái niệm “người tiêu dùng”, cần nêu rõ người tiêu dùng gồm cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, để luật bao quát và giải quyết được các vấn đề liên quan đến tiêu dùng giữa các tổ chức, vốn là vấn đề tương đối phức tạp, khó xử lý hiện nay. 

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị quy định giải thích khái niệm “người tiêu dùng” như sau: “Người tiêu dùng là người mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị kế thừa Luật hiện hành, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trên cơ sở dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về BVQLNTD; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 69 dự thảo Luật quy định: “Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng”; bổ sung tại khoản 3 Điều 69 nội dung “Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD”.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 78 dự thảo Luật. Ngoài ra, về Điều 5, trách nhiệm của người tiêu dùng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định rõ về nghĩa vụ của người tiêu dùng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBKHCN&MT được chuẩn bị khá công phu; đồng thời đánh giá cao ý kiến phát biểu của UBTVQH. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại, xem xét ngoài 2 vấn đề lớn hiện nay còn có vấn đề nào khác cần xin ý kiến nữa không.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, hiện nay có tình trạng trong giai đoạn 2 của quy trình lập pháp lại sa vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong khi đó, còn nhiều vấn đề cần bám sát vào những nguyên tắc, quan điểm, định hướng, mục tiêu sửa luật để xem các điều khoản sửa đổi có đáp ứng được yêu cầu đặt ra hay không thì lại ít quan tâm. 

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đối với những vấn đề xin ý kiến cần xin ý kiến những vấn đề lớn quan trọng và qua quá trình thảo luận cho đến nay so với mục tiêu, yêu cầu của luật cần gì phải hoàn thiện sửa đổi, bổ sung hay không để bảo đảm xem xét căn cơ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đến giai đoạn hiện nay, cơ quan chủ trì thẩm tra còn rất thận trọng đưa ra các phương án nhưng điều quan trọng là lập luận, lí sự và nêu được quan điểm của cơ quan mình như thế nào.

Khi UBTVQH trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu chuyên trách hoặc trình ra Quốc hội cũng phải nói rõ là đang còn các phương án nhưng UBTVQH đã chọn phương án hoặc nghiêng về phương án nào với các cơ sở, căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn. Còn nếu chỉ nêu vấn đề sẽ rất khó khăn khi lựa chọn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi thay đổi quy định này cần đánh giá kĩ hơn về đặc thù của Việt Nam, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam. Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cả cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và rất khá phổ biến đối với Việt Nam thì có nên hay không.

Theo đó, cần làm rõ căn cứ để lựa chọn, thực tiễn thi hành pháp luật theo đặc thù của Việt Nam, tính hiệu quả và khả thi, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế - xã hội của đất nước. 

Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội cho biết thiên về phương án trình Quốc hội xem xét để chấp nhận quy định như hiện hành.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 4, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo tương đối đầy đủ, chi tiết, rõ ràng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBKHCN&MT phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của UBTVQH, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các Đoàn ĐBQH cùng một số cơ quan hữu quan, đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.

UBTVQH giao Thường trực UBKHCN&MT chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện các tài liệu theo quy định; chuẩn bị hồ sơ xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan hữu quan, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luận, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, gửi xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Di sản văn hóa; Luật Công chứng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công đoàn; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua
Gấp rút triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Sáng 3/12, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Gấp rút triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, 133 đơn vị cấp xã

Ngày 30/11, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (NQ175); cùng thời điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025 (NQ 1314). Các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, 133 đơn vị cấp xã

TIN MỚI

Return to top