ClockThứ Bảy, 08/04/2017 05:36

Cá nuôi lồng chết hàng loạt ở Hương Toàn (Hương Trà): Do môi trường không đảm bảo

TTH - Theo kết luận ban đầu, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cá nuôi lồng chết những ngày qua là do môi trường không đảm bảo.

Người nuôi cá lo lắng

Hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng trên sông Bồ đoạn qua xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà) lo lắng khi cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trong lồng xảy ra nhiều ngày qua. Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, cơ quan chức năng đã xuống hiện trường để lấy mẫu nước, làm rõ nguyên nhân ban đầu.

Cá nuôi lồng chết được người dân xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà) vớt lên bờ

Dọc theo bờ sông, nhiều người dân tỏ ra lo âu mặc dù lượng cá chết đến thời điểm này đã giảm so với những ngày trước đó. Ngoài số cá chết được người dân đem đi chôn thì vẫn còn hiện tượng người dân vớt thả ra giữa sông, nổi lềnh bềnh gây mùi hôi khó chịu. Ông Nguyễn Tâm Hòa (thôn Giáp Kiền) đứng bên hai lồng cá trắm với vẻ mặt buồn rầu trước nỗi lo cá chết, nguy cơ vụ cá lỗ nặng. Năm nay gia đình ông thả nuôi hơn 1.000 con, nhưng đến thời điểm này chết hơn 1/10.

Theo kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá lồng của ông Hòa, mọi năm vẫn có cá chết nhưng không nhiều như năm nay. Nhiều khả năng do dòng chảy đứng yên nên cá thiếu oxy. Kéo theo đó, lượng nước từ trong ruộng tràn ra, gây ô nhiễm dòng nước sông. “Thường thì dòng nước chảy xuôi, từ hướng thủy điện về nhưng gần một tuần nay dòng nước đứng im nên cá thiếu lượng oxy, dẫn đến ngột khí rồi chết”, ông Hòa suy đoán.

Gần đó, gia đình ông Lê Văn Ngọc hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá cũng không mấy khả quan. Hơn một tuần qua đã có 150 con cá đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch chết nổi trắng lồng, ước tính thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Để cứu cá chết, ông đã mua gấp máy tạo oxy và cho chạy liên tục hơn hai ngày qua. “Chưa khi nào cá chết như năm nay, ai cũng lo lắng. Cả làng ai cũng đi tìm mua máy tạo oxy gắn cho chạy không kể ngày đêm với hy vọng cứu vớt được chừng nào hay chừng đó, chứ không thì mất công gần một năm thả nuôi”, ông Ngọc nói.

Trong khi đó ông Lê Văn Dũng ở làng Liễu Cốc Hạ cũng đang rối bời khi 5 lồng cá của gia đình bị chết hơn 1.000 con lớn, nhỏ, thiệt hại chừng 40 triệu đồng. Ngoài việc đặt máy tạo oxy, ông phải ngồi canh liên tục, hễ thấy cá chết là vớt lên chôn cất ngay lập tức. Ông Dũng cho biết, hiện trên dòng sông này có hàng trăm lồng cá được thả nuôi với mật độ dày đặc. “Nếu tình trạng này xảy ra kéo dài thì khả năng mất trắng vụ cá là chắc chắn. Công sức chăm nuôi, vốn liếng bỏ ra để mua thức ăn sẽ đổ xuống sông xuống bể”, ông Dũng nói với giọng buồn.

Theo ông Trần Kiêm Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, hiện tượng cá chết trên địa bàn xảy ra khoảng một tuần trở lại đây. Thống kê cho thấy có 669/863 lồng có cá chết với số lượng gần 20.000 con. Trong đó, nhiều nhất ở các thôn Cổ Lão với 210 lồng (1.500 con), Liễu Cốc Hạ 160 lồng ( 9.600 con), Dương Sơn 85 lồng (4.000 con)… Hầu hết cá chết là cá trắm, trọng lượng từ 0,3 – 2kg.

Môi trường không đảm bảo

Ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, Chi cục Thủy sản tỉnh đã về lấy mẫu nước để phân tích. Sáng 7/4, đại diện Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, Trạm Thú y, Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà đã trực tiếp xuống hiện trường các lồng cá của dân để ghi nhận tình hình, thiệt hại ban đầu. Qua kiểm tra thực tế các khu vực có lồng cá cho thấy nước sông có màu đậm, dòng chảy không có (nước đứng), thức ăn dư thừa, xác cá chết nổi nhiều trên mặt sông. Tiếp xúc với đoàn kiểm tra, người dân phản ánh cá nổi ngáp trước khi chết xuất hiện chủ yếu về đêm.

Trước tình trạng cá nuôi lồng chết những ngày qua, người dân xã Hương Toàn đã dùng máy bơm tạo oxy để giảm lượng cá chết

Theo nhận định bước đầu của đoàn kiểm tra, cá chết do môi trường không đảm bảo (thiếu oxy, dòng chảy, mật độ nuôi một số lồng khá cao, khoảng cách các lồng không đảm bảo…). Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho hay, ngay sau khi nắm được thông tin đã liên hệ với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để đề nghị thủy điện Hương Điền điều tiết nước, đảm bảo dòng chảy trên sông Bồ. Trong khi đó, đại diện Cục Chăn nuôi thú y cũng khẳng định, cá chết không phải do dịch bệnh.

Đoàn kiểm tra đã đưa ra một số giải pháp tức thời và đề nghị người dân thực hiện để giảm tình trạng cá chết. Cụ thể, tăng khoảng cách giữa các lồng nuôi từ 5m trở lên bằng cách dịch chuyển các lồng ra xa và so le với nhau để tạo sự thông thoáng giữa các lồng, đồng thời giảm mật độ trong lồng; tăng cường sục khí cho lồng nuôi bằng máy sục oxy hoặc máy bơm nước; treo túi vôi ở các góc lồng nuôi với liều lượng 5-7 kg/túi (treo 2-4 túi/lồng); giảm lượng thức ăn cho cá trong ngày và chuyển từ thức ăn xanh sang dùng thức ăn tinh kết hợp bổ sung vitamin C, khoáng chất cần thiết tăng cường khả năng hấp thụ thức ăn, sức đề kháng cho cá nuôi.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Tiếp nối truyền thống anh hùng

Chiều 18/12, TX. Hương Trà tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Tham dự có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT Nhân dân, lão thành cách mạng, lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ…

Tiếp nối truyền thống anh hùng
Return to top