Chủ tịch nước Lê Đức Anh (đứng giữa) tham quan Điện Thái Hòa (Huế) vào tháng 3/1995. Ảnh: TTXVN
Đã tròn 100 năm ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh, tuy lớp người cùng thời tham gia chiến đấu với đồng chí nếu còn sống nay đã già yếu, nhưng những Cựu chiến binh (CCB) tuy chỉ là lính của Tư lệnh từ thời quân khu IX, giai đoạn chống Mỹ cứu nước đến những người tham gia ở chiến trường giúp bạn Campuchia và còn nhớ như in “lời thề Trường Sa” có những hình ảnh không thể phai mờ.
Giác ngộ cách mạng từ tuổi thành niên, rời quê hương vào Nam hoạt động, nơi cuộc chiến khốc liệt, khói lửa chiến tranh đã tôi luyện đồng chí Lê Đức Anh thành vị tướng của trận mạc. Với cương vị Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí cùng Cơ quan tham mưu chuẩn bị chiến dịch tiến công Bình Giã thắng lợi và đánh tan cuộc hành quân Gian-xơn Xi ti trong chiến dịch mùa khô 1966-1967 của Mỹ - ngụy nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta ở bắc tỉnh Tây Ninh. Những năm đảm nhiệm Tư lệnh Quân khu IX, trong thời gian địa bàn gặp rất nhiều khó khăn do địch bình định lấn chiếm vùng giải phóng, phong trào cách mạng ở đây giảm sút nghiêm trọng. Với bản lĩnh của vị Tướng quyết đoán, ý chí cách mạng tiến công, đồng chí đã cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh củng cố lực lượng, khôi phục thế và lực đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Sau ký Hiệp định Pa ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (27/01/1973), ngụy quyền Sài Gòn tức tối quan thầy Mỹ “bắt con bỏ chợ”, âm mưu thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” đẩy mạnh lấn chiếm vùng giải phóng. Trên cương vị Tư lệnh dám chịu trách nhiệm, chủ trương “vừa đánh vừa đàm”, không chịu lùi bước trước mọi hành động xâm lấn phá hoại hiệp định tại Nam bộ, đồng chí đã chỉ huy các đơn vị chiến đấu ngoan cường bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô lớn, giữ vững vùng giải phóng làm phá sản âm mưu của địch.
Năm 1974 được giao Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh cùng Bộ Chỉ huy Miền tổ chức tiến công đánh chiếm, giải phóng tỉnh Phước Long, thực hiện “phép thử”, làm cơ sở cho Trung ương Đảng đề ra Chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm tới.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí là Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân hướng tây-tây nam tiến công vào Sài Gòn, sào huyệt của địch, nơi địa hình rất khó khăn cho cơ động lực lượng lớn, quân ngụy phòng ngự dày đặc. Nhưng tài thao lược và kinh nghiệm trận mạc dày dạn, mũi tiến công do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy đã hiệp đồng tốt, thực hiện đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với tầm nhìn xa, trông rộng, đồng chí Lê Đức Anh đề xuất chuyển bộ đội làm kinh tế, giảm quân số thường trực nhưng duy trì tổ chức đơn vị để đối phó với âm mưu của địch gây chiến tranh biên giới Tây Nam. Nhận nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu VII, kiêm Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng, đồng chí đã tích cực chỉ đạo Quân khu VII giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang cùng quân, dân của ta và bạn đánh tan quân Pôn Pốt, lật đổ chế độ diệt chủng, nhanh chóng giúp Campuchia hồi sinh. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí nơi đất bạn, quân tình nguyện Việt Nam không chỉ giúp bạn truy quét tàn quân Pôn Pốt, giữ vững thành quả cách mạng mà còn tích cực tham gia cứu đói, cứu bệnh cho dân, khôi phục sản xuất để lại tình cảm sâu sắc của nhân dân Campuchia coi Bộ đội Việt Nam là “đội quân nhà Phật”.
Những năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia với bao gian nan, khó khăn thử thách, và hy sinh to lớn, nhưng nhờ sự chỉ đạo, giáo dục, động viên của đông chí Lê Đức Anh, bộ đội và chuyên gia Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giờ đây mỗi cựu chiến binh ở quê hương tham gia các chiến trường nơi đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy còn nhiều lắng đọng về vị Tướng của mình.
Những năm 1980 tình hình biển Đông lại dậy sóng, chủ quyền lãnh thổ của đất nước trên quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc uy hiếp, lúc này Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trực tiếp ra thăm và dự kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống Quân chủng Hải quân tại đảo Trường Sa lớn vào ngày 07/5/1988 đã tuyên bố: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Phát biểu của Đại tướng trở thành lời hịch cho mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Nhân dân luôn khắc sâu “Lời thề Trường Sa” đã nối tiếp nhau vượt qua biết bao khó khăn gian khổ hy sinh, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió để sẳn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lời thề Trường Sa còn in đậm trong tim các thế hệ cựu chiến binh một thời trận mạc.
Đối với quê hương, nhiều cựu chiến binh ở Thừa Thiên Huế còn nghe, nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh khi cầm quân luôn yêu thương, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với cán bộ, chiến sĩ. Tuy xa quê đã lâu, nhưng mỗi lần trở lại đồng chí luôn quan tâm lắng nghe tâm tư tình cảm của Nhân dân, ân cần thăm hỏi bà con lối xóm, nhắc nhở con cháu, họ hàng chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhắc nhở cựu chiến binh luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” , của vùng đất Thừa Thiên Huế “Tấn công - Nổi dậy - Anh dũng - Kiên cường”, để góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh, các thế hệ cựu chiến binh ở Thừa Thiên Huế nhớ mãi vị Tướng của trận mạc, người con ưu tú của quê hương kiên cường trong khói lửa chiến tranh, con người giàu lòng nhân ái, nơi Cố đô có nhiều Di sản văn hóa thế giới.
Nguyễn Văn Lưu