Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn thắc mắc về chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”
Doanh nghiệp khó tiếp cận với chính sách của tỉnh
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Sơn đặt vấn đề về chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” dù tăng 3 bậc nhưng đang nằm trong nhóm cuối của cả nước (55/63). Ông Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ ra nguyên nhân và các giải pháp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thông tin, chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” có 24 chỉ số con, trong đó có một số chỉ con đạt rất thấp. Ông Vui cho rằng, việc thành lập các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên địa bàn rất hạn chế; khả năng doanh nghiệp tìm kiếm xúc tiến đầu tư, công nghệ khan hiếm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
“24 chỉ số con sẽ có từng giải pháp để nâng hạng. Sở Kế hoạch- Đầu tư đã tổ chức các hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Chúng tôi cũng phân công cán bộ nắm về mặt pháp luật tiếp cận giải thích các nhu cầu cho các doanh nghiệp. Năm 2019, Sở Công thương ban hành 144 thủ tục hành chính tăng cường giải quyết thủ tục qua môi trường mạng; đầu tư 4 phiên hội chợ ở nước ngoài, tổ chức nhiều chương trình… Theo tôi, các sở, ban ngành cần phối hợp triển khai các giải pháp để thực hiện”, ông Vui nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn tiếp tục thắc mắc về quá trình đánh giá chỉ số PCI được thực hiện như thế nào? “Khi có thông tin đánh giá chỉ số PCI, các sở, ban ngành đã có báo cáo đánh giá chung về việc triển khai để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục các tồn tại”, ông Nguyễn Đại Vui giải đáp.
Về chỉ số PCI, đại biểu Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh góp ý, hiện nay, tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng các đơn vị này tiếp cận rất khó khăn. Họ mong muốn có bộ thủ tục hành chính và được giải quyết ở bộ phận một cửa.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nói: “Chúng ta chưa ban hành thủ tục hành chính về hỗ trợ nên khi doanh tiếp cận ở các đơn vị chủ trì không biết làm thủ tục thế nào. Các đơn vị chủ trì không tham mưu kinh phí để đưa vào dự toán hàng năm để chi hỗ trợ nên khi triển khai vướng mắc. Các sở, ngành cần rà soát lại, có những hướng dẫn, đề xuất để sẵn sàng cho doanh nghiệp hưởng các chính sách này”.
Kết luận vấn đề này, Ủy viên Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị, các sở, ngành phối hợp để hướng dẫn thủ tục quy trình, thẩm định nguồn vốn cho doanh nghiệp thông qua dịch vụ công để đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề được các đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn (trong ảnh: Một buổi học ở Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế)
Nâng hạng chất lượng giáo dục
Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Thạnh đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân tỉ lệ về trường đạt chuẩn quốc gia chỉ dừng lại ở con số 62,4%. Ngoài ra, ông Thạnh mong muốn về những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian đến.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 62,4% là nỗ lực lớn, bởi năm 2015 chỉ đạt 44,1%. “Cuối năm 2018, Bộ GD&ĐT thay đổi quy định về trường đạt chuẩn quốc gia bằng việc hợp nhất trường đạt chuẩn quốc gia với kiểm định chất lượng giáo dục. Các tiêu chuẩn rất cao nên nhiều trường gặp khó. Sắp tới, Bộ GD & ĐT sẽ có sự điều chỉnh. Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với những quy định”, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân trả lời chất vấn
Về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 với phổ điểm là 5,42, Thừa Thiên Huế đứng thứ 3 ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, xếp vị thứ 27 toàn quốc. Ông Tân thông tin, sau khi có kết quả, ngành giáo dục cũng đã tập trung phân tích các kết quả. Theo đó, ở các trường tuyển sinh khó khăn nhưng tỉ lệ đậu tốt nghiệp đạt cao. Ở hai huyện miền núi có sự đối lập, huyện Nam đông tỉ lệ đạt cao 85%, nhưng A Lưới 61%. Môn lịch sử và môn tiếng Anh phổ điểm thấp. “Chúng tôi đã tổ chức các hội nghị, hội thảo để nâng cao chất lượng các môn có phổ điểm thấp. Sắp tới, sở sẽ làm việc với các trường ở các địa bàn khó khăn, tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời xây dựng đề án giáo dục lịch sử văn hóa địa phương để nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh”.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất, đặc biệt là những điểm trường lẻ. Nhiều trường đang rớt chuẩn vì kinh phí duy trì, xây dựng trường gặp khó. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, khoảng cách phổ điểm giữa các địa phương khá thấp, nên năm học 2019-2020, chúng tôi sẽ nỗ lực nâng cao phổ điểm, hướng đến vị trí xếp thứ 20 trở lên trên toàn quốc”.
Hầm Phước Tượng – Phú Gia sáng đèn trong tháng 12
Trả lời thắc mắc của đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn về điện chiếu sáng ở hầm Phước Tượng – Phú Gia vẫn chưa đưa vào sử dụng, gây nguy hiểm cho người đi đường, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết vấn đề này, Công ty cổ phần Đèo Cả - đơn vị chủ đầu tư đã hứa bằng văn bản trong tháng 12 này sẽ sáng đèn.
Tại buổi chất vấn, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ cũng nêu vấn đề về sự xuống cấp của chung cư Đống Đa. Lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin, công tác kiểm định gặp nhiều khó khăn, đơn vị tư vấn chưa đủ số liệu kết luận chất lượng hiện trạng vì người dân không hợp tác. Lãnh đạo tỉnh thống nhất chủ trương và sẽ tổ chức đối thoại với dân để đảm bảo cao nhất quyền lợi của người dân, đồng thời để chỉnh trang đô thị.
|
Lê Thọ