Hà Nội- thành phố vì hòa bình (ảnh: Quang Hải)
1. Thế kỷ 13, Thăng Long đã ba lần bị quân Nguyên tràn vào đốt phá nhưng ba lần “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức”. Ba lần Thăng Long lại trở về trong lòng Đại Việt chiến thắng vẻ vang đội quân xâm lược hung hãn nhất hành tinh khi đó.
Đầu thế kỷ 15, hơn 20 năm Thăng Long - Đông Đô bị xâm lược và đô hộ, nhiều công trình bị tàn phá, nhiều người tài bị bắt đi. Nhưng rồi Vương Thông bị vây chặt ở Đông Quan đã phải mở hội thề mong quân dân Đại Việt mở lòng hiếu sinh tha cho quân xâm lược trở về quê cũ. Câu chuyện vua Lê trả lại gươm báu cho thần Kim quy như một biểu tượng hòa bình trường tồn.
Tết Kỷ Dậu 1789, cùng những nghĩa binh của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung, quân dân Thăng Long làm nên những trận rồng lửa Ngọc Hồi, Đống Đa thiêu đốt quân thù.
Tháng 8/1945, khi Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào và quyết định phát động toàn quốc Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu quyết định sáng suốt chọn Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam độc lập tương lai. Quyết định quan trọng đó đã nối lại mạch kinh đô xưa của Thăng Long - Hà Nội.
Ngày 17/2/1947, những chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô sau hai tháng cầm chân địch trên từng góc phố lặng lẽ rút qua gầm cầu Long Biên, tạm xa Hà Nội. Họ nhìn lại đô thành nghi ngút cháy sau lưng, tạm biệt và hẹn ngày về chiến thắng. Và ngày về chiến thắng đã tưng bừng trong mùa thu cách đây 62 năm. Những người con ưu tú của Hà Nội trở về với Thủ đô trong rừng cờ hoa chào đón. Hà Nội ngàn năm yêu dấu đó là Hà Nội của ta.
2. Cũng nhớ lại trong những ngày đầu tiên khi mới từ Việt Bắc về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang. Tại ngôi nhà này, vị Chủ tịch nước Việt Nam mới đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng và tiếp đón cả khách quốc tế. Câu trả lời cho sự “không bình thường” đó chỉ có một: Hồ Chí Minh luôn tin tưởng ở Nhân dân. Với Người, “hễ là người Việt Nam đều có tấm lòng yêu nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra và đã động viên, phát huy được những giá trị trường tồn của văn hiến Thăng Long - Hà Nội dù còn tiềm ẩn.
Ý chí sắt đá của Nhân dân Việt Nam “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngày 17/7/1966 từ Thủ đô Hà Nội, khi máy bay Mỹ mở rộng ném bom tới các thành phố lớn trên miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên...). Từ Hà Nội, lời khẳng định của Người đã trở thành chân lý của thời đại. Trong những năm tháng ác liệt chiến tranh, Hà Nội trở thành biểu tượng bất khuất của phẩm giá và lương tri nhân loại. Người nước ngoài nhìn thấy ở Hà Nội một dáng vẻ dũng cảm và vững vàng, sẵn sàng đối phó với bom Mỹ. Họ thán phục: “Hà Nội có rất nhiều hầm trú ẩn, các khách sạn không hề có công sự bảo vệ như Sài Gòn. Bồn chồn, bứt rứt thì người trong nước Mỹ ta bồn chồn bứt rứt nhiều. Ở đây chỉ thấy quyết tâm và hy sinh, chỉ thấy một thái độ nghiêm trang” . “Cuộc ném bom Giáng sinh” (theo cách gọi của Mỹ) 12 ngày đêm mùa đông 1972 trên bầu trời Hà Nội đã làm rung chuyển cả nước Mỹ và cả bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. “Rồng lửa Thăng Long” như những mũi tên phóng lên từ nỏ thần Cổ Loa đã quật nhào “con ngáo ộp” B52 đang được Mỹ dùng để hù dọa cả thế giới.
3. Chiều 10/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời kêu gọi đồng bào Hà Nội với niềm tin tưởng vững chắc rằng: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Khẳng định rằng: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí “đầu tàu”, vai trò “gương mẫu” với cả nước. Hà Nội đã nỗ lực thực hiện lời dặn của Bác Hồ.
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Hà Nội đã trở thành Thành phố vì hòa bình, và đang phấn đấu để Thủ đô là thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Từ quy mô nhỏ bé chừng 30 vạn dân, diện tích nội, ngoại thành chỉ hơn 150 km² khi mới giành lại độc lập, sau hơn 70 năm chiến đấu và xây dựng, dân số Hà Nội đã trên 7 triệu người, diện tích Hà Nội đã trên 3.300 km². Theo chiều thẳng đứng, Hà Nội đã có nhiều điểm nhấn kiến trúc vươn cao trên bầu trời. Theo chiều ngang, 6 cây cầu mới vững chãi như những cánh tay rồng vắt qua sông Hồng cùng với cầu Long Biên mang nhiều ký ức lịch sử, kết nối mạnh mẽ Hà Nội với mạng lưới giao thương phía bắc. Trong hành trình đến tương lai, Hà Nội cùng cả nước và Hà Nội vì cả nước. Trong sự nghiệp dựng xây hôm nay, Hà Nội vẫn khăng khít với Huế - TP. Hồ Chí Minh như đã từng khăng khít cùng Huế - Sài Gòn trong cuộc chiến đấu năm xưa.
Trong suốt chiều dài hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 62 năm sau cùng đã chứng kiến nhiều đổi thay làm xúc động lòng người yêu Hà Nội. Thế đất Rồng cuộn, Hổ ngồi đã được nhận thức từ buổi dời đô. Hôm nay Rồng đang bay lên - những giá trị văn hóa đang được tôn vinh và phát huy - và Hổ đang vươn mình dậy - kinh tế chuyển mình với sức mạnh mới. Những giá trị trường tồn từ chiều sâu truyền thống văn hóa Thăng Long sẽ còn được thăng phát.
TS. Ngô Vương Anh