Một số vụ án và hậu trường
Nhìn lại những vụ án tham nhũng vừa qua có yếu tố quan hệ giữa cán bộ lãnh đạo và các “đại gia”. Từ một người kinh doanh bên ngoài, Phan Văn Anh Vũ (Đà Nẵng) không thể biết trong ngành tình báo của Công an có các công ty bình phong, không biết những nhà công sản, những mảnh đất vàng sẽ được bán… Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) dù là doanh nghiệp quân đội cũng không thể biết hết dự án làm đường quốc phòng, các đầu mối xăng dầu, lại càng không biết làm bằng giả phục vụ cho thăng cấp… Những người có chức quyền cao trong công an, quân đội không cung cấp thông tin chắc chắn Vũ Nhôm, Út Trọc có muốn cũng không thể nắm chắc được nội tình như vậy. Nếu một số lãnh đạo của Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh không “xì” thông tin về chủ trương bán những khu đất đắc địa, những nhà công sản giá trị sinh lợi cao thì Vũ Nhôm khó lòng dòm ngó. Không những vậy, họ còn chỉ đường đi nước bước, chủ trương, giá cả… để đối tượng dễ bề toan tính.
Vụ đánh bạc qua mạng được Công an tỉnh Phú Thọ xử lý cũng là một dạng như vậy. Đối tượng Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam không thể biết được cơ quan công an đấu tranh công nghệ cao được phép lập cổng điện tử để kiểm soát tội phạm, trụ sở công an lại được đặt máy chủ kinh doanh sòng bạc. Đến việc trích hàng chục ngàn USD để trang bị cơ sở vật chất là thế nào nếu không có gợi ý của Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa...
Các dự án, vùng quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng, thanh lý hay mua bán tài sản… thuộc phạm vi nội bộ của các cơ quan, thậm chí chưa được duyệt nhưng thông tin đã lọt ra bên ngoài. Khi công khai thì đã có ngay những hồ sơ dự thầu, những cuộc gặp gỡ thương thảo ở hậu trường. Công khai chỉ là động tác nhằm hợp thức hóa thủ tục, che mắt dư luận và cơ quan pháp luật.
Khi đã nắm được “ruột gan” bên trong thì đường đi nước bước sẽ là đồng tiền đi trước để giải quyết sao cho có lợi nhất. Trong đó, không ít lãnh đạo chuẩn bị “hạ cánh” cũng gấp rút tranh thủ ký cho xong thủ tục nhằm quyết toán trước, sớm lấy được phần trăm, bất kể tác hại, hậu quả để lạicho người kế nhiệm…
Đâu là giải pháp?
Đánh giá khách quan, cán bộ lãnh đạo thoái hóa,biến chất không hẳn do bên ngoài tác động.Cái chính là bản thân cán bộ đã “tự chuyển hóa” trước cám dỗ của đồng tiền, chạy theo vật chất, dần bị đồng tiền chi phối dẫn đến sai phạm. Khi quyền quản lý, định đoạt tiền bạc, tài sản được trao cho một số người có quyền nhưng không được kiểm soát chặt chẽ thì sẽ là cơ hội cho cán bộ thao túng, câu kết làm ăn bất chính.
Quan hệ có tính logic ở đây là một bên có tiền sẵn sàng bỏ ra để chi phí, bôi trơn, một bên tìm cách hợp thức hóa thủ tục, lách quy định,vạch đường đi nước bước. Nhưng khi bị phát hiện sai phạm, người ta nêu đủ lý do để biện minh cho hành vi của mình, nhưng cái chính là họ đã cam tâm bắt tay với bên ngoài vì lợi ích cá nhân.
Những sơ hở trong pháp luật, cơ chế quản lý kinh tế dẫn đến những người có trách nhiệm quản lý tiền bạc, tài sản công dễ bề thao túng. Cho nên đòi hỏi cần sớm hoàn thiện cơ chế pháp luật đồng bộ với kỷ luật của Đảng, Nhà nước để xử lý triệt để, nghiêm túc. Những tồn tại trong các vụ án đã truy tố cần được rút ra bài học trong quản lý cán bộ, bịt kín bằng chế tài đủ sức răn đe. Những người đã có dấu hiệu khuất tất trong kinh tế, có biểu hiện sân sau, lợi ích nhóm phải sớm được điều chuyển khỏi những bộ phận quản lý tài sản, phân bổ ngân sách, chủ quản các công trình trọng điểm. Công khai, minh bạch mọi hoạt động dự án, thanh lý tài sản, cơ chế tập thể quản lý phải được phát huy trong kiểm soát vì cái chung.
Trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng trong đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta đã xử lý hàng loạt cán bộ các cấp. Nhưng vẫn tồn tại đâu đó những cán bộ có lòng tham chưa được kiềm chế, nhiều vụ việc tham nhũng vẫn tiếp tục xảy ra mặc dù các vụ tương tự đã bị xử rất nặng.
Phải chăng, một bộ phận cán bộ lãnh đạo bị chai lỳ với tham nhũng? Điều này đòi hỏi cần làm nghiêm hơn nữa để “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH