|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị ĐBQH quan tâm thảo luận một số nội dung liên quan đến vấn đề phát triển công nghiệp dược; các hình thức, phương thức kinh doanh dược mới, trong đó có chuỗi nhà thuốc; vấn đề quản lý giá thuốc, với các quy định trong dự thảo luật sửa đổi lần này; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kê khai giá thuốc; quy định về cấp chứng chỉ hành nghề dược….
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH tập trung cho ý kiến, nêu các vấn đề liên quan đến quy định cụ thể chính sách ưu đãi hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; cơ chế quản lý trong việc mua và bán thuốc; bổ sung một số nội dung đối với quy định về quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài và điều kiện lưu hành oxy y tế; không đưa thuốc kê đơn vào danh mục phân phối qua thương mại điện tử; tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thuốc nhập khẩu chất lượng cao; cân nhắc quy định hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng; nghiên cứu, bổ sung một số quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; bổ sung quy định về việc ban hành danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả; bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng của Nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp dược; nghiên cứu, lựa chọn những loại cây dược liệu làm cây chủ lực quốc gia; quy hoạch vùng dược liệu để sản xuất thuốc; chính sách ưu tiên phát triển dược liệu, bài thuốc cổ truyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Tham gia thảo luận, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Phạm Như Hiệp hoàn toàn nhất trí với dự thảo luật.
|
Đại biểu Phạm Như hiệp phát biểu tại hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp |
Tuy nhiên, ông Phạm Như Hiệp đề nghị cần tập trung đầu tư thuốc xã hội cần và có giá trị kinh tế cao, như thuốc có nguồn gốc dược liệu, sinh học, vắc-xin sinh phẩm y tế, các thuốc sản xuất nhượng quyền, thuốc chuyển giao công nghệ… đồng thời duy trì đổi mới tư duy, đổi mới khoa học công nghệ trong vấn đề sản xuất thuốc, tạo ra các sản phẩm đặc thù.
Đại biểu Phạm Như Hiệp cũng cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho ngành thuốc; đồng thời cần nghiên cứu sản xuất thuốc gắn liền với nhu cầu của thị trường; các nhà khoa học cần phải gắn với doanh nghiệp để nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới của Việt Nam, sản phẩm nhượng quyền, chuyển giao công nghệ…
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn Quốc hội đã quan tâm tới ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng trong thời gian vừa qua, với nhiều chính sách phát triển ngành dược để ngành phát triển, đáp ứng các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đã có những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đời sống về việc sửa đổi Luật Dược, đặc biệt sau dịch COVID-19. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Luật Dược để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo nguồn cung thuốc, phục vụ tốt nhất cho đời sống người dân.