ClockThứ Hai, 10/09/2018 13:55
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII

Cần hành động quyết liệt

TTH - Thực tế cho thấy, việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức bách, đáp ứng đúng mong muốn của Nhân dân và yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước hiện nay.

"Chẩn" đúng bệnh

Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII nhận định: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp...”. Hệ lụy đáng lo ngại do cách thức tổ chức, vận hành quan liêu và không hiệu quả của các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nói riêng, trong cả hệ thống chính trị nói chung đã tạo ra những “khoảng trống” về quyền lực và trách nhiệm.

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức bách, nhưng điều cần lưu ý là cần đánh giá mức độ phù hợp của thiết kế mô hình hiện tại với trạng thái và xu thế vận động khách quan của kinh tế - xã hội. Đánh giá đúng được các mặt phù hợp và không còn phù hợp của bộ máy cũng chính là tìm được kết cấu hợp lý và điều kiện vận hành có hiệu quả của hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó mà loại bỏ những cơ cấu, điều kiện vận hành không có hiệu quả trong quá trình xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm mở rộng dân chủ trong xã hội. Đây cũng là cách phát hiện và khắc phục những bất cập, chồng chéo về mặt tổ chức và điều hành trong hệ thống chính trị.

Cơ cấu của mỗi tổ chức phải được xây dựng một cách hợp lý, trong đó mỗi thành viên phải hiểu rõ những phần việc của mình. Bất cứ nhiệm vụ gì cũng phải có người chịu trách nhiệm về nó nhưng cũng cần rà soát và xoá bỏ những bộ phận thừa hoặc trùng lặp để bộ máy hoạt động có hiệu quả, tránh lãng phí sức người, sức của do sự chồng chéo, chậm chễ...

Mặt khác cũng cần phải nhận thức rõ rằng: Không có một mô hình tổ chức nào là vạn năng, có thể áp dụng cho nhiều trường hợp. Việc phân tích khách quan các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, tâm lý, tập quán... sẽ tạo cơ sở tìm ra cơ cấu tổ chức phù hợp cho tổ chức trong điều kiện cụ thể, khắc phục sự bảo thủ trì trệ của tổ chức. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần phải tiến hành cả việc giảm đầu mối và giảm (đến mức thấp nhất) số người hưởng lương từ ngân sách. Nếu chỉ hô hào cải cách và giảm biên chế chung chung thì việc tinh giản biên chế sẽ khó có thể đạt mục tiêu.

Thực hiện quyết liệt và gắn trách nhiệm người đứng đầu

Chúng ta có rất nhiều việc cần làm khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII.

Để đạt mục tiêu đó cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục những khuyết điểm về mặt tổ chức đang tồn tại. Những khuyết điểm đó có nguyên nhân chủ quan được Đảng nhận định là: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thiếu kiên quyết, đồng bộ; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước còn khá phổ biến. Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở các cấp chưa có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt”. Để khắc phục tình trạng này, Đảng chỉ ra các biện pháp: “Rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp”.

Để Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đi vào cuộc sống cần hành động thật sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và phải gắn trách nhiệm với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức với hiệu quả thực hiện chủ trương của Ðảng. Đồng thời với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính cần gắn kết chặt chẽ việc kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 4: Thực hiện cơ chế đặc thù, mở ra cơ hội phát triển

Nhiều năm qua, Quốc hội đã quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết (NQ), kết luận quan trọng để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế, đặc biệt là NQ số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 (NQ 38) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là công cụ pháp lý, nền tảng và đòn bẩy quan trọng giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 4 Thực hiện cơ chế đặc thù, mở ra cơ hội phát triển
Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 3: Tăng cường giám sát, lắng nghe người dân

Bên cạnh việc ban hành các nghị quyết (NQ) đáp ứng yêu cầu phát triển, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh thời gian qua tiếp tục được đổi mới. Không chỉ xây dựng các chương trình giám sát phù hợp mà thực tiễn giám sát đã “chạm” đến các vấn đề được cử tri quan tâm. Đặc biệt, các đại biểu HĐND tiến hành chất vấn “nóng” quá trình thực hiện các NQ do HĐND tỉnh ban hành.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 3 Tăng cường giám sát, lắng nghe người dân
Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 2: Làm tròn trách nhiệm, tạo dựng niềm tin

Có một điều dễ dàng nhận thấy, trong chương trình mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh, ngoài những vấn đề liên quan đến chương trình, đề án lớn của tỉnh, nhiều quyết sách liên quan đến đời sống dân sinh luôn được các đại biểu quan tâm. Từ đó, tạo dựng niềm tin trong dân, góp phần làm thay đổi một vùng đất.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 2 Làm tròn trách nhiệm, tạo dựng niềm tin
Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 1: Hiện thực hóa giấc mơ xuyên thế hệ

Là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, quê hương, hoạt động của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được đổi mới. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành trên 550 nghị quyết (NQ), trong đó có những NQ đã góp phần quan trọng trong việc kiến tạo và phát triển Thừa Thiên Huế trên bước đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 1 Hiện thực hóa giấc mơ xuyên thế hệ
Return to top