Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 0,8-1,0%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 4% trở lên. Đó là mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 13/6. Kế hoạch này nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo báo cáo của Sở LĐ - TB&XH tại Hội nghị Tham vấn đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tổ chức ngày 16/4 vừa qua, kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 cho thấy, Thừa Thiên Huế hiện có 9.703 hộ nghèo, tỷ lệ 2,99%; tổng số hộ cận nghèo là 12.104 hộ, tỷ lệ: 3,73%. Nếu dựa theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 16.006 hộ nghèo (50.660 khẩu), tỷ lệ 4,93%; tổng số hộ cận nghèo là 12.803 hộ (41.043 khẩu), tỷ lệ 3,94%.
Qua đánh giá, hộ nghèo và hộ cận nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp ranh biên giới. Khu vực thành thị có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo thấp hơn. Hộ nghèo và hộ cận nghèo không có khả năng lao động (hộ bảo trợ xã hội) cũng chiếm tỷ lệ cao; vẫn còn một số hộ nghèo và hộ cận nghèo là hộ người có công cách mạng.
Thực ra, đói nghèo là điều không ai mong muốn. Chỉ trừ một số ít lười lao động, có tâm lý trông chờ ỷ lại, còn đa phần đều có khát vọng thoát nghèo, vươn tới cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo thì lại có nhiều. Đó là do không có đất sản xuất, không có kỹ năng lao động, sản xuất; không có kiến thức sản xuất, không có vốn; không có lao động; thiếu công cụ, phương tiện sản xuất; có người do đau ốm, bệnh nặng, tai nạn… Do vậy, muốn giảm nghèo hiệu quả trước tiên cần khảo sát, đánh giá phân loại hộ nghèo cụ thể, từ đó mới xác định cách thức hỗ trợ phù hợp.
Trước hết, với nhóm không có khả năng lao động, việc giúp đỡ để thoát nghèo không có cách nào khác là cần có cơ chế riêng để trợ cấp hàng tháng và huy động các nguồn lực hỗ trợ họ có cuộc sống ngang bằng mức trung bình của địa phương; đảm bảo các điều kiện cơ bản trong đời sống như chỗ ở, lương thực, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...
Với các nhóm còn lại, điều cơ bản nhất là tạo điều kiện cho những người có sức khỏe tham gia vào thị trường lao động. Chỉ cần một người có việc làm ổn định, nhất là mạnh dạn tham gia xuất khẩu lao động thì cả một gia đình có thể thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả nếu biết sử dụng đồng tiền người thân gửi về một cách hiệu quả. Với những người thiếu vốn cần được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với nhu cầu và khả năng tổ chức sản xuất. Người không có kỹ năng lao động cần được quan tâm đào tạo nghề. Người không biết cách sản xuất thì cần hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, cách bảo quản, chế biến và cả kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Lâu nay chúng ta thường hay ví von, cho cần câu chứ không phải xâu cá, nhưng có trường hợp thì vừa hỗ trợ cần câu, vừa phải dạy cách câu, chỉ cho nơi bán cá và cả cách chi tiêu mới mong giúp người nghèo thoát nghèo hiệu quả.
Tổng thể là vậy, nhưng thực tế việc thoát nghèo không hề đơn giản. Không phải cứ được hỗ trợ, có thu nhập là thoát nghèo ngay. Có những trường hợp chăn nuôi, sản xuất thắng lợi một vài vụ, nhưng không biết chi tiêu hay gặp ốm đau, thiên tai, dịch bệnh là có thể mất cả vốn lẫn lời và tái nghèo trở lại. Do vậy, việc giảm nghèo bền vững là cuộc chiến lâu dài, bền bỉ. Ngay cả khi người nghèo thoát nghèo vẫn cần sự theo dõi, giám sát và hỗ trợ với các hình thức linh hoạt để tránh tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
Hoàng Minh