Kéo dài thời gian lấy ý kiến Nhân dân từ 3/1 đến hết ngày 15/3/2023 và cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo tính khả thi của Luật khi áp dụng… là nội dung quan trọng trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp chiều 13/12, cho ý kiến, quyết định về việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan Nhà nước cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến người dân để nghiên cứu, tiếp thu nhằm làm cho các chính sách được đề xuất sau khi được luật hóa sẽ phù hợp và đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Như vậy, việc lấy ý kiến Nhân dân là quy trình bắt buộc và được luật hóa. Tuy nhiên, tùy theo chủ thể ban hành, phạm vi, đối tượng tác động, việc lấy ý Nhân dân sẽ có những hình thức, quy mô, phạm vi phù hợp.
Với Luật Đất đai sửa đổi, đây là dự án luật có phạm vi tác động rộng, không chỉ là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất mà còn có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân thực chất, hiệu quả là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, Luật gồm 16 chương, 245 điều; trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nhiều nội dung mới; trong đó tập trung vào các vấn như: sửa đổi quy định về đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ; bỏ khung giá đất, sửa quy định về bảng giá đất, giá đất cụ thể; bổ sung khoản thu tài chính từ đất; bổ sung trường hợp thu hồi đất; bổ sung quy định về thời hạn sử dụng đất; sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu dự án; sửa đổi quy định về quyền của người sử dụng đất…
Các nội dung bổ sung, sửa đổi đều hướng đến nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Với yêu cầu đó, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân sao cho thực chất và hiệu quả, chứ không phải là “làm cho có” là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm. Không chỉ thống nhất kéo dài thời gian, mà việc tổ chức lấy ý kiến cũng cần đa dạng hóa hình thức, qua nhiều kênh tiếp nhận và cần cụ thể hóa từng đối tượng. Bởi Luật Đất đai là đạo luật khó, phức tạp, tác động đến hầu các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội; trong khi đó các đối tượng có mức độ nhận thức, sự quan tâm khác nhau.
Để làm tốt điều này, cần có sự chung sức của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; phát huy vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các hội nghề nghiệp. Đồng thời, cần chuẩn bị tốt các nội dung, nhất là các điểm mới cần xin ý kiến của Nhân dân để việc góp ý kiến của người dân đúng trọng tâm, sát thực tế và hiệu quả.
Hoàng Minh