Cháy rừng thường xảy ra ở các vùng đồi, miền núi thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền và hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới… Thời gian gần đây, nạn cháy rừng không “buông tha” cả các vùng đất cát trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy thời tiết cực đoan do ảnh hưởng hiện tượng Elnino đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhiệt độ, mức độ nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm. Chỉ trong vòng một tháng (tháng 5), liên tiếp xảy ra hai vụ cháy rừng tại xã Phong Chương (Phong Điền) và xã Hồng Kim (A Lưới).
Lực lượng thanh niên tham gia thu dọn lá khô ở các đồi thông (núi Ngự Bình) phòng cháy rừng
Chủ tịch UBND xã Phong Chương, ông Lê Viết Phước nhận định, thường vào mùa nắng nóng, cao điểm bắt đầu từ tháng 5, tại các vùng cát có nhiều nguy cơ cháy rừng. Khi thời tiết, nhiệt độ cao, vùng đất cát rất nóng, những người đi chân trần chỉ cần vài bước cũng có thể bỏng rát. Với những cánh rừng tràm chứa nhiều lá khô, dính tàn thuốc cũng có thể bốc cháy. Vụ cháy rừng tại xã Phong Chương trong tháng 5 vừa qua là một điển hình đáng lưu ý. Hai ha rừng keo lưỡi mác của một số hộ dân ở địa phương bị cháy trụi, được xác định là do người dân sơ suất, vứt bỏ tàn thuốc bừa bãi dẫn đến bốc cháy. Do không phát hiện, dập tắt kịp thời nên diện tích đám cháy lây lan diện rộng.
Những cánh rừng chủ yếu là lau lách, các loại cây không thành rừng, không có giá trị kinh tế, đa dạng sinh học thường thiếu sự cảnh giác, kiểm tra, giám sát nên nguy cơ bốc cháy rất cao. Khi rừng bốc cháy không được ngăn chặn, dập tắt kịp thời sẽ lây lan sang những cánh rừng khác. Mới đây, tại xã Hồng Kim xảy ra vụ cháy lau lách, cây không thành rừng khoảng 0,6 ha. Người dân và cán bộ kiểm lâm địa bàn phát hiện, dập tắt kịp thời.
Kiểm lâm viên Võ Đức Chinh, Trạm Kiểm lâm Hương Lộc (Nam Đông) nói: “Chỉ cần sơ suất nhỏ, mất cảnh giác rừng có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Khi rừng đã cháy diện rộng sẽ rất khó kiểm soát, dập tắt. Cán bộ kiểm lâm chúng tôi luôn ý thức trong việc bảo vệ, PCCCR. Hầu như ngày nào, anh em cũng tổ chức đi kiểm tra, giám sát tại các khu rừng”.
Điều anh Võ Đức Chinh cũng như các cán bộ kiểm lâm lo ngại hiện nay là ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân còn thấp. Sau khi thu hoạch rừng trồng kinh tế, người dân không thu dọn các cành, lá cây khô rất dễ bốc cháy; sau khi đốt thực bì, thiếu sự quan tâm giám sát, hoặc chưa dập tắt hẳn, khi nắng nóng, nhiệt độ cao dẫn đến bốc cháy, lây lan sang các cánh rừng khác… Một nguyên nhân khác dù hiếm khi xảy ra, song cần đề cao cảnh giác là tình trạng sét đánh dễ gây ra cháy rừng. Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, hiện tượng Elnino năm nay sẽ đạt kỷ lục so với những năm 1997-1998; nắng nóng gay gắt…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Hoàng Phụng cho rằng, bảo vệ, PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành kiểm lâm đóng vai trò chủ đạo, phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương tổ chức, triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, các chủ rừng, nhất là người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR cần phải đặt lên hàng đầu. Lực lượng kiểm lâm địa bàn, cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của người dân khi ra vào rừng trong mùa cao điểm. Mỗi khi ý thức người dân được nâng cao, tích cực tham gia, vào cuộc sẽ hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.
Bài, ảnh: Hoàng Triều