ClockThứ Hai, 11/11/2019 08:09

Chậm hỗ trợ, chậm hết dịch...

TTH - Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh đến nay đã gần 9 tháng và lây lan khắp 9 huyện, thị xã, thành phố. Có những lúc, dịch bệnh tưởng như đã lắng xuống, rồi bùng phát lây lan trở lại khiến không chỉ người chăn nuôi và cả người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Trong sử dụng thịt lợn hàng ngày, hẳn nhiều người từng ăn nhầm miếng thịt lợn có mùi hoai hoặc - xin lỗi - có mùi như... phân heo. Đó là mùi thịt bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi hoặc mới vừa tiêm thuốc - một chủ lò mổ ở làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (làng có nghề làm thịt heo khá nổi tiếng) khẳng định.

Cũng theo anh này, giai đoạn đầu bùng phát dịch tả lợn châu Phi là giai đoạn thịt lợn được bán trên thị trường đa phần là sạch nhất. Thời gian đó, người dân đặt hi vọng vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên khi lợn có dấu hiệu bị bệnh đã báo với chính quyền đến làm thủ tục chôn hủy. Mặt khác, khi giết phải con lợn bị bệnh dịch tả thì rất dễ nhận biết, bởi có mùi hôi rất khó chịu, phải mang chôn lấp; chỉ những người hám lợi mới cố làm bán ra thị trường.

Còn bây giờ đã “tọa lọa”. Người dân không ngồi chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước nữa nên khi có dấu hiệu lợn bị bệnh đã kêu bán tháo. Các lò mổ cũng không đủ sức để phân biệt, nên cứ làm ngang bán ra thị trường, tạo cảnh “vàng thau lẫn lộn”.

Tinh thần hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn khi lợn bị dịch tả châu Phi đã được UBND tỉnh triển khai rất sớm. Ngay từ đầu tháng 12/2018, khi dịch tả lợn châu Phi chỉ mới xuất hiện ở một số địa phương ngoài Bắc, chưa xuất hiện ở tỉnh ta, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2842 về Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh. Trong đó, hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1668 về cơ chế chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Mục tiêu của việc hỗ trợ một phần nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, tạo điều kiện để tái đàn khi công bố hết dịch; mặt khác còn quan trọng hơn, để người dân tự nguyện phối hợp với chính quyền địa phương khi phát hiện dịch bệnh để xử lý, chôn hủy, tránh tình trạng giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Với nhiều ý nghĩa như vậy, nhưng không hiểu sao, việc hỗ trợ lại được triển khai quá châm chạp. Được biết, tỉnh đã cấp 3 đợt hơn 66 tỷ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi nhưng đến nay, nhiều người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Qua tìm hiểu lý do, cơ sở thì cho rằng, do cấp trên chậm cấp kinh phí hoặc cấp chưa đủ; một đại diện của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh lại cho rằng, việc chậm cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân một phần do từ cơ sở…

Nguyên nhân gì đi nữa thì thực tế việc cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân là quá chậm, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần ngồi lại để đưa ra giải pháp hiệu quả. Đối với các địa phương đã được cấp kinh phí, dù chưa đủ cũng phải triển khai ngay việc cấp tiền hỗ trợ, có thể tạm cấp một phần, để tạo niềm tin trong dân; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tin việc hỗ trợ là có thật, phối hợp khai báo với chính quyền khi có dịch bệnh xảy ra, tránh giấu dịch, bán ra thị trường làm dịch bệnh khó kiểm soát và tiếp tục lây lan.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế
Return to top