Trong những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền clip liên quan đến tổ cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Đội tuần tra kiểm soát số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh có những dấu hiệu bất thường khi làm nhiệm vụ tại ngã ba đường tránh - cửa ngõ vào TP. Huế, thuộc phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà. Việc đúng sai, có hay không có tiêu cực hiện đang được Công an tỉnh điều tra làm rõ và sẽ có hình thức xử lý tùy theo mức độ sai phạm. Tuy nhiên, với những gì thể hiện trong clip cho thấy cách ứng xử của tổ CSGT chưa đúng điều lệnh, lễ tiết tác phong của lực lượng công an trong khi làm nhiệm vụ, khiến dư luận đặt nghi vấn.
Lề lối, tác phong, quy tắc ứng xử thì hầu như ngành nào cũng có. Có ngành quy định mang tính khái quát, có ngành được cụ thể hóa thành các quy định mang tính bắt buộc. Ví như ngành y, lời dạy “Lương y như từ mẫu” không chỉ cán bộ của ngành mà người dân ai cũng thuộc làu; với nghề giáo “cô giáo như mẹ hiền”, “mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…; ngành thuế có cam kết hành động: Minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới... Nhìn rộng như vậy để thấy, đạo đức nghề nghiệp, lề lối tác phong trong thực hiện nhiệm vụ, sản xuất kinh doanh là yêu cầu không thể thiếu; thậm chí quyết định đến thành bại của công việc.
Trong quá trình đổi mới đất nước hiện nay, việc xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân theo phương châm hành động của Chính phủ là nhiệm vụ cấp bách. Để đạt được mục tiêu trên, một trong những yêu cầu quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công nghiệp không chỉ có đủ trình độ năng lực chuyên môn mà còn có lề lối tác phong làm việc khoa học, thái độ ứng xử chuẩn mực. Bởi thực tế, việc tiếp xúc của người dân với các cơ quan nhà nước chủ yếu thông qua cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc. Thái độ ứng xử của người được giao nhiệm vụ tiếp dân tốt hay chưa tốt không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, nhận xét, đánh giá của người dân với chính quyền mà đôi lúc đẩy sự việc không có gì phức tạp thành điểm nóng, gây bức xúc cho người dân.
Đối với Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh đã ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 48/2018/QĐ-UBND, ngày 31/8/2018). Quy tắc này quy định rõ các chuẩn mực xử sự của công chức khi thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội nhằm bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của công chức. Đây cũng là cơ sở để Nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của công chức.
Thực hiện các chuẩn mực xử sự của công chức khi thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, phục vụ, thân thiện với công dân và tổ chức. Đây là yêu cầu bắt buộc, là kỷ luật lao động mà mọi cán bộ, công chức phải nghiêm túc chấp hành, nếu vi phạm cũng sẽ bị xử lý thích đáng, không có trường hợp ngoại lệ. Với các cơ quan, đơn vị việc xiết chặt kỷ luật lao động, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức là công việc cần tiến hành thường xuyên, nhất là những ngày sau tết kéo dài để nâng cao hiệu quả công việc và uy tín của cơ quan theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh ngày 13/2 vừa qua.
Hoàng Minh