Tuy hậu quả hạn hán chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến Thừa Thiên Huế nhưng nguy cơ vẫn rất cao, bởi cùng nằm trong dải đất có kiểu thời tiết chung. So với nhiều năm trước, năm qua và đầu năm nay, lượng mưa trên địa bàn rất thấp. Nhiều sông ngòi, ao hồ có mực nước dưới mức trung bình. Đặc biệt từ trước Tết đến nay, chưa có một đợt mưa nào đáng kể; số ngày nắng kéo dài. Về một số vùng nông thôn có địa hình cao, vùng cát... trong những ngày này, nông dân đã bắt đầu lo lắng về thiếu nước cho sản xuất.
Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng ENSO (hiện tượng Elnino/Lanina và khí quyển xảy ra trên xích đạo) đang chuyển sang pha nóng và khả năng xuất hiện Elnino. Dự báo thời gian tới nắng nóng còn kéo dài, lượng nước tại các hồ đập thủy lợi, thủy điện, trên các sông nguy cơ thiếu hụt. Trong lúc, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, dân sinh và các lĩnh vực khác là rất cần thiết. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn 929, yêu cầu các ngành địa phương, các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng chống hạn, mặn; cần chủ động đảm bảo đủ nguồn nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, nguồn nước; lịch trình vận hành các nhà máy thủy điện, các hồ chứa, đập Thảo Long, Cửa Lác... nhằm điều tiết nước hợp lý để chủ động bổ sung về hạ lưu, ngăn mặn theo nhu cầu. Triển khai các phương án nạo vét kênh mương, hói và chuẩn bị các phương tiện cho việc bơm nước chống hạn. Có kế hoạch bơm chuyền nước cho một số vùng; đồng thời, ngành điện phải ưu tiên điện cho các trạm bơm. Thường xuyên kiểm tra độ mặn vùng đầm phá để điều hòa độ mặn thích hợp cho nuôi trồng thủy sản.
UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đối với một số diện tích không chủ động được nguồn nước; tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm. Triển khai nạo vét, vớt bèo, khơi thông dòng chảy ở các sông hói, kênh mương ở địa phương mình...
Với sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành cùng với sự chủ động, tích cực của chính quyền và nhân dân các địa phương thì những nguy cơ thiệt hại do hạn mặn gây ra sẽ được hạn chế đáng kể, góp phần ổn định sản xuất và đời sống sinh hoạt; trước mắt đảm bảo cho vụ Đông xuân được thắng lợi.