ClockThứ Hai, 30/07/2018 08:11

Chủ động rà soát, phòng ngừa

TTH - Bước đầu, cơ quan chức năng của Lào đã đưa ra nguyên nhân của vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy là do công trình xây dựng không đạt chuẩn. Công bố này cũng phù hợp với nhận định của nhiều người.

 

Nước ta hiện có gần 6.700 hồ đập thủy điện, thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ mét khối; trong đó, hơn một nửa công trình được phân bố ở miền Trung- Tây Nguyên. Với địa hình nhiều đồi núi, sông ngòi, miền Trung- Tây Nguyên có tiềm năng lớn để phát triển các công trình thủy điện, thủy lợi; song cũng phải đối mặt với thách thức lớn là thường gánh chịu thiên tai, bão lụt.

Thực tế cho thấy, gió mưa, thiên tai là quy luật của thời tiết, trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp như hiện nay thì việc xây dựng, thiết kế công trình cần phải tính đến các yếu tố này, nhất là công trình hồ chứa “bom nước”, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả rất khủng khiếp.

Báo cáo mới đây tại Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tổ chức tại Đà Nẵng cho thấy, trong vòng 10 năm qua, ở miền Trung - Tây Nguyên đã xảy ra 38 sự cố về hồ đập, chiếm đến 76% sự cố hồ đập trên cả nước. Hội nghị cũng đưa ra bức tranh đáng lo ngại về an toàn hồ đập ở miền Trung - Tây Nguyên; chủ yếu tập trung ở các công trình thủy lợi có tuổi thọ cao, được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 30 đến hơn 40 năm về trước;  nhiều công trình không còn hồ sơ thiết kế.

Trên địa bàn Thừa Thừa Thiên Huế, đa số các công trình thủy lợi, thủy điện là mới xây dựng. Ngoài hồ Truồi được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1996, còn lại các công trình khác như hồ Tả Trạch, hồ Thủy Yên- Thủy Cam, thủy điện Hương Điền, thủy điện A Lưới, thủy điện Bình Điền… mới hoàn thành đưa vào sử dụng trong vòng 10 năm trở lại đây. Qua thời gian vận hành, các hồ đập lớn này chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, trước những thực tế đang diễn ra, nhất là sự biến đổi bất thường của thiên tai, thời tiết thì không thể chủ quan. Cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình khai thác, vận hành; nhất là phải thường xuyên kiểm tra chất lượng công trình để có phương án duy tu, khắc phục kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ hồ đập; đồng thời, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, chính xác và kịp thời thông tin khi có tình huống bất ngờ để người dân chủ động phòng ngừa; bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tải sản cho người dân ở vùng hạ du và khu vực xung quanh hồ chứa.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã ban hành Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với bão Yinxing gần Biển Đông. Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão Yinxing đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing
Return to top