ClockThứ Ba, 13/07/2021 15:44

Chủ tịch Quốc hội: Chủ động rà soát để khắc phục những vướng mắc về cơ chế

Tiếp tục phiên họp thứ 58, sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Ngày 27/5 sẽ diễn ra Phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hộiCân nhắc tổ chức hợp lý số lượng cuộc tiếp xúc cử triCơ cấu người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV của cả nước

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, các báo cáo cơ bản toàn diện. Giai đoạn 2016 - 2020, đất nước ngày càng lớn mạnh với nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu. Tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020 chỉ đạt 2,91% nhưng cũng đạt mức tăng trưởng dương, cao hơn so các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nước ta đang gặp không ít khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nội tại của nền kinh tế chưa mạnh, tăng trưởng chưa đảm bảo sự bền vững. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, mưa bão, xâm nhập mặn để lại hậu quả nặng nề. Đặc biệt, đại dịch COVID-19, theo đánh giá chưa thấy hết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ban cán sự Đảng Chính phủ cần đánh giá sâu hơn những điểm yếu ảnh hưởng đến nền tài chính, thu chi giai đoạn vừa qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là áp lực trả nợ công và bội chi ngân sách.

Ngoài ra, năm 2020, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vượt ngưỡng trên 100.000 doanh nghiệp. Chính phủ cần đánh giá, phân loại 100.000 doanh nghiệp này, phân tích sâu sắc để thấy sức mạnh nền kinh tế, làm rõ tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở cho định hướng tài chính những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2021, áp lực trả nợ công rất lớn. Bội chi giai đoạn này dự kiến cao hơn giai đoạn trước 3,7% GDP. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, có giải pháp triệt để thắt chặt chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư. Ngoài ra, đảm bảo tối đa an toàn nợ công, ngưỡng an toàn của nợ Chính phủ, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo kinh tế - xã hội thường thiên về mảng kinh tế, do đó, cần làm đậm nét hơn về mảng xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, chống tham nhũng, văn hóa. Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ án liên quan đến tự chủ, xã hội hóa tại các bệnh viện. Dẫn chứng một số vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt Sài Gòn…, bà Nga nêu vấn đề, Chính phủ rút ra điều gì về quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, nhất là quản lý các bệnh viện. Phải chăng việc tự chủ, xã hội hóa bệnh viện làm khá ồ ạt, không làm thí điểm mà cho làm đại trà luôn, quá trình thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế ít được thực hiện nên dẫn đến tình trạng này ?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, mỗi khi có chủ trương mới cần cho thí điểm làm một số nơi, sau đó tổng kết rồi mới nhân rộng ra. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được tiến hành thường xuyên hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chất lượng các báo cáo; trong đó đã bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bám sát các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, kết luận Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, đồng thời sát thực với tình hình thực tế hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội. Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vào cuộc từ sớm, từ xa. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi báo cáo sang các cơ quan của Quốc hội thẩm tra từ rất sớm. Các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã rất chủ động, làm đi làm lại nhiều lần. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tiếp thu tối đa ý kiến Đảng đoàn Quốc hội trong quá trình chuẩn bị các báo cáo. Do đó, khi trình Ban Chấp hành Trung ương thì cơ bản đồng thuận, không có ý kiến gì khác biệt lớn về quan điểm, nhận định, đánh giá. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là bài học kinh nghiệm cần phát huy trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các báo cáo cần đánh giá đúng, làm nổi bật thành tựu của 4 năm nhiệm kỳ khóa XIV cũng như sự “vượt khó” của năm 2020. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cần làm rõ thêm những vướng mắc, khó khăn khi vận hành cơ chế mới của đầu tư công. Thực tế cho thấy 5 năm qua, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Sau khi sửa Luật Đầu tư công kết hợp sự điều hành thì tỷ lệ giải ngân năm 2020 rất cao, đạt gần 98%.

Kế hoạch tài chính đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên. Cơ cấu thu tích cực khi thu nội địa cao (như Hà Nội là 93%). Cơ cấu tỷ lệ chi tích cực khi giảm mạnh chi thường xuyên. Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, tại sao nhiều địa phương thực hiện tốt việc này nhưng nhiều nơi khác lại chưa làm được.

Về giải pháp, định hướng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước hết phải thể chế hóa kịp thời chủ trương, định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là nhiều điểm mới hoặc trước đây đã có nhưng nay tư duy và cách nhìn mới.

Đề cập vấn đề thể chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu rà soát lại luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thì còn rất nhiều vấn đề; cần khắc phục khuynh hướng bảo thủ, thấy sai mà không sửa và cứ kêu, đổ thừa cho cơ chế.

“Xu hướng đổ thừa nổi lên rất mạnh. Có luật, có thông tư, nghị định thì cấp nào rà soát, xác định sửa cái gì, sửa thế nào? Cứ kêu mà không sửa. Lần này chủ động rà soát để khắc phục, quan trọng là xác định vướng chỗ nào, cái gì phải chỉ ra chứ không chỉ kêu; không làm được lại đổ thừa thể chế”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Di sản văn hóa; Luật Công chứng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công đoàn; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua
Gấp rút triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Sáng 3/12, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Gấp rút triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, 133 đơn vị cấp xã

Ngày 30/11, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (NQ175); cùng thời điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025 (NQ 1314). Các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, 133 đơn vị cấp xã
Return to top