Đã có hàng trăm tấn dưa hấu, hành tím, hành tây được tiêu thụ, góp phần gỡ khó cho nông dân. Điều này chứng tỏ, tiềm năng của thị trường nội địa là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi có những mặt hàng, người tiêu dùng trong nước không thể sử dụng nhiều hoặc bảo quản lâu được, nên không thể mua ủng hộ thường xuyên. Vấn đề là cần có chiến lược dài hơi, vươn ra thị trường rộng lớn trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới đang ngày một mạnh mẽ.
Một nghịch lý là mặc dầu nông sản của nông dân đang khó tiêu thụ thì khắp trên các chợ, hàng nông sản các nước (chủ yếu là Trung Quốc) vẫn bán tràn lan, vàng thau lẫn lộn, mỏi mắt cũng không thấy được nông sản trong nước. Sở dĩ các quầy hàng nông sản Việt được các “mạnh thường quân” đứng ra kêu gọi người dân mua ủng hộ, đã thu hút được lượng lớn khách hàng, thì ngoài tinh thần tương thân tương ái ra còn có sự ngầm hiểu trong đó về nguồn gốc của nông sản, nên người tiêu dùng rất yên tâm. Cho nên, việc chế biến, bảo quản, tạo nhãn mác để người tiêu dùng dễ nhân dạng là điều cần thiết để hàng nông sản Việt Nam đứng được tại thị trường nội địa.
Lâu nay, vấn đề trồng cây gì? nuôi con gì? Vẫn là bài toán khó đối với nông dân. Khi được giá thì ồ ạt phá cây trồng, vật nuôi cũ để trồng nuôi loại giống mới, làm cung vượt cầu, bị tư thương ép giá. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn đứng ra hô hào vận động người dân chuyển đổi cây trông vật nuôi, tạo nguồn nguyên liệu cho họ; rồi “cầm đầu cán” ép giá hoặc bỏ mặc nông dân. Chuyện nông dân phải bán mía lấy đường ở Gia Lai và các tỉnh phía Nam xảy ra trong thời gian qua là một ví dụ. Ở Thừa Thiên Huế cũng từng xảy ra vụ việc tương tự vào năm 2000 khi nhà máy đường Phong An đột ngột di dời đi tỉnh khác. Rồi cây cau ở Nam Đông, nuôi trai lấy ngọc ở Lộc Bình, Phú Lộc... cũng để lại cho người dân nhiều hậu quả nặng nề.
Để nâng cao giá trị nông sản, tránh rủi ro cho nông dân đòi hỏi cần có sự quan tâm từ nhiều phía. Ngoài việc phát huy tinh thần tương thân tương ái như đã làm trong thời gian qua thì cần có sự hoạch định trong phát triển sản xuất một cách hợp lý, thực hiện sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp; đặc biệt trong điều kiện hội nhập như hiện nay!