ClockThứ Năm, 01/07/2021 20:28

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

TTH.VN - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện 905/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bài học từ tuần lửa rừngXuyên đêm cứu rừngĐề phòng hỏa hoạn bùng phát trở lại tại đồi 230

Công điện nêu: Trong thời gian qua, do tình trạng nắng nóng kéo dài trên phạm vi cả nước, nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng mà trọng tâm tại khu vực miền Trung, như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... gây thiệt hại đáng kể về rừng, môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, qua đó đã giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Theo dự báo trong thời gian tới, thời tiết còn tiếp tục nắng nóng gay gắt, hanh, khô kéo dài và có nhiều diễn biến bất thường, nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đời sống của người dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách sau:

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm;

- Kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn;

- Phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước;

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng;

- Kịp thời đánh giá, thống kê mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đồng thời có giải pháp khôi phục lại diện tích rừng bị cháy.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; cử Lãnh đạo và cơ quan chức năng đến hỗ trợ các địa phương ứng trực và chỉ huy chữa cháy rừng;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi xảy ra cháy rừng;

- Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với người tham gia chữa cháy rừng, các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2021 và các năm tiếp theo, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả  phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy rừng.

3. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối của hệ thống điện quốc gia, không để xảy ra sự cố về hệ thống truyền tải, cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời dự báo và cung cấp thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến người dân và các cơ quan liên quan phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng.

6. Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng trong thời kỳ cao điểm.

7. Các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn, thông tin ngay khi cháy rừng xảy ra về Cục Kiểm lâm theo số điện thoại: 098 666 8 333; E-mail: fpd@kiemlam.org.vn để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Mãn kinh không đợi tuổi: Các biện pháp bảo vệ sức khỏe phụ nữ

Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên trong đời sống của phụ nữ, đánh dấu sự kết thúc của khả năng sinh sản. Tuy nhiên, quá trình này có thể bắt đầu sớm hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người, thường xảy ra trong khoảng 40-50 tuổi. Mãn kinh sớm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn tác động đến nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của phụ nữ. Bài viết này sẽ khám phá tác động đa chiều của mãn kinh đến sức khỏe phụ nữ. Tìm hiểu ngay nhé!

Mãn kinh không đợi tuổi Các biện pháp bảo vệ sức khỏe phụ nữ

TIN MỚI

Return to top