Nhiều vấn đề nổi cộm trong ngành giáo dục được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Đó là hàng trăm giáo viên đột ngột bị chấm dứt hợp đồng lao động, hay giáo viên phổ thông chuyển xuống dạy mầm non xảy ra tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh; hiện tượng hiệu trưởng nhà trường o ép cho giáo viên cũ nghỉ việc để nhận người mới; rồi nạn dạy thêm học thêm, bạo lực học đường… đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất dân chủ cơ sở. Trong điều kiện thừa giáo viên, sự chênh lệch quyền lợi giữa các vùng, các cấp học càng dễ xảy ra tình trạng mất dân chủ tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong công tác tổ chức, bố trí cán bộ, giáo viên, nếu thiếu sự công tâm. Tình trạng dạy thêm, học thêm cũng vậy. Mặc dù Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục các địa phương đã có nhiều chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm nhưng dạy thêm, học thêm vẫn cứ tràn lan. Nguyên nhân từ việc nguồn thu từ dạy thêm, học thêm quá lớn; giáo viên tìm mọi cách để o ép, buộc phụ huynh phải cho con đi học thêm; trong đó, “chiêu” đáng sợ nhất là những học sinh có năng lực thực sự, nếu không đi học thêm khó được xếp loại khá, giỏi; những bài học sinh làm tốt thì không động viên khuyến khích, thậm chí là lờ đi, không vào sổ; chỉ chăm chăm vào những khuyết điểm. Nguyên nhân bởi “quyền sinh quyền sát” ở trong tay giáo viên, mà không có sự kiểm tra, giám sát của nhà trường, phụ huynh, học sinh. Nhức nhối nữa là nạn bạo hành học đường. Đau lòng biết bao khi xem những hình ảnh nữ sinh bị đánh hội đồng; những cháu bé mầm non bị người trông hành hạ khi các cháu còn quá bé bỏng không biết kêu ai. Các sự việc bị phát hiện và xử lý khi có những đoạn clip; liệu còn bao nhiêu cảnh ấm ức, do chưa có clip phơi bày?
Tại Hội nghị “Thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo” vừa tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, với hơn 20 triệu học sinh cùng với đó là hàng triệu gia đình, 1,4 triệu giáo viên, thực hiện dân chủ trong nhà trường sẽ là tấm gương, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội để mọi người thấy có trách nhiệm cùng tham gia. Cùng với đó là sự cần thiết phải xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát, đo đếm được đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học…
Trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước, Đảng ta luôn xác định rõ phát huy dân chủ trong xã hội là một nội dung lớn của đường lối cách mạng nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của đổi mới… Thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo không chỉ là động lực quan trọng trong tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định mà còn là tiền đề cho các thế hệ học sinh, sinh viên sau khi ra trường, những chủ nhân tương lai của đất nước tiếp thực thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại địa phương, ban ngành, nơi cư trú, công tác.
Tiểu Ca