Tại tổ, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến về các vấn đề còn gây bức xúc trong xã hội nhằm đưa ra những giải pháp căn bản đối với các vấn đề an sinh xã hội.
Quang cảnh họp tổ của đại biểu Quốc hội các tỉnh Ninh Bình, Sơn La, Đà Nẵng, Tây Ninh
Đại biểu cho rằng lĩnh vực đầu tư y tế giải ngân thấp như vậy thì hiệu quả trong giai đoạn tới sẽ kém. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất buôn bán thuốc, dược phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn còn tình trạng thuốc giả, thuốc lậu,
thuốc kém chất lượng và một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội như vụ thuốc Vinaca quảng cáo thuốc hỗ trợ và điều trị ung thư nhưng được sản xuất từ bột than tre. Các vụ tấn công cán bộ y tế trong bệnh viện gây bức xúc, tâm lý lo lắng đối với ngày y tế, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân tại bệnh viện.
Đại biểu mong muốn mức lương của bác sỹ bằng nhân viên bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 1083 của Quốc hội khóa XIII về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018.
Tuy nhiên, quan điểm của đại biểu cho rằng: “Nếu báo cáo nào cũng lặp đi lặp lại chính sách pháp luật không nghiêm vậy thì ai là người làm ra chính sách pháp luật đó, trách nhiệm đó là của ai, chính là của Quốc hội; nếu ở mức độ nghị định, thông tư thì là trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành. Cách chúng ta xây dựng, tiếp cận luật về quan lý an toàn thực phẩm không giống bất cứ đất nước nào khi đợi tính thiệt hại nhưng các vụ việc về thuốc cũng chưa chắc thiệt hại ngay chứ chưa bàn đến các vụ về thực phẩm".
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, đối với vấn đề phòng, chống tham nhũng, vấn đề cần quan tâm nhất là thu hồi tài sản tham nhũng.
“Muốn thu hồi được thì phải phát hiện kịp thời, nghĩa là phát hiện sớm các hành vi vi phạm để xử lý, còn để tẩu tán hoặc khi pháp lý ở mức mà chúng ta không xử lý được thì không thu hồi được. Thanh tra Chính phủ và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để làm sao phát hiện kịp thời, có giải pháp ngăn chặn để răn đe", Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định.
Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Hà Nội) đánh giá hầu như trong báo cáo của Chính phủ không có mục nào đề cập đến vấn đề lãng phí, lãng phí đến đâu, lãng phí trong lĩnh vực nào, nhận diện vấn đề lãng phí như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị một số giải pháp chống lãng phí. Theo đó, cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý vĩ mô, xác định được lĩnh vực nào là mũi nhọn để có những ưu tiên và kế hoạch dài hạn, ngắn hạn phù hợp, đem lại lợi ích tốt nhất. Bên cạnh đó, làm tốt công tác dự báo; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí hành chính, cương quyết cắt bỏ các giấy phép "con, cháu" gây cản trở phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, quản lý chặt chẽ tài sản công, thường xuyên có báo cáo xác thực, kịp thời vấn đề thu và chi, đặc biệt là vấn đề chi; tăng cường tiết kiệm và chống lãng phí, cân đối sự phát triển theo xu hướng cung - cầu.
Trong vấn đề an sinh xã hội, cần tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, tránh lãng phí thời gian của người dân và lực lượng chức năng.
Theo TTXVN