ClockThứ Sáu, 18/10/2019 10:33

Đảm bảo an ninh nguồn nước

TTH - Câu chuyện nước sạch ở Hà Nội bị ô nhiễm, do việc đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn sông Đà gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn người dân thủ đô khiến dư luận bức xúc.

Tối 15/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, có giải pháp kịp thời cung cấp nước sạch cho người dân; đồng thời giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.

Theo các chuyên gia tài nguyên nước, hiện thách thức lớn nhất đối với quản trị an ninh nước ở Việt Nam chính là mức độ tăng trưởng dân số, nhu cầu sử dụng nước đang tăng so với nguồn cung về nước. Sự thiếu hụt nguồn nước không chỉ gây tác động xấu đến sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu mà còn ảnh hưởng đến nguồn sinh kế truyền thống của bộ phận dân cư. Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng nguồn nước chưa được quan tâm đúng mức.

Tại Thừa Thiên Huế, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do khai thác, sử dụng trong quá trình sản xuất, nuôi trồng thủy sản đã bắt đầu xuất hiện. Hiện tượng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất đang tác động mạnh đến các địa phương ven biển, đầm phá.

Ngay trong lĩnh vực sản xuất nước sạch, tuy được đánh giá khá tốt, nhưng các nhà máy vẫn luôn đối diện với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Còn nhớ, trước năm 2006, khi đập Thảo Long chưa được đầu tư, nước mặn xâm nhập vượt qua Nhà máy nước Vạn Niên ở đầu nguồn sông Hương. Người dân thành phố Huế và các vùng phụ cận từng nếm trải những vất vả khi phải đi chở từng can nước, cuộc sống bị đảo lộn khi thiếu nước sạch. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực du lịch cũng bị giảm sút mạnh.

Chưa hết, các công trình xây dựng ở đầu nguồn các sông, suối từng gây đục nguồn nước mỗi khi có mưa lớn. Tình trạng khai thác cát sỏi bừa bãi gây bồi lắng lòng sông. Một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi vẫn lén lút xả thải ra các nhánh sông, suối, góp phần làm ô nhiễm nguồn nước.

Trở lại chuyện nước sạch bị ô nhiễm ở Hà Nội, hành vi đổ dầu thải trộm là đáng lên án và cần truy tìm, xử lý nghiêm kẻ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề ứng phó kịp thời với sự cố và trách nhiệm đơn vị cung cấp nước sạch cũng cần phải được xem xét nghiêm túc. Việc doanh nghiệp chậm thông tin sự cố, mức độ ô nhiễm và không khuyến cáo kịp thời đến khách hàng là việc làm không thể chấp nhận. Đây là bài học đối với các đơn vị sản xuất, cung cấp nước nhằm kịp thời ứng phó với các sự cố nguồn nước và sự phá hoại có chủ đích, với mức độ ảnh hưởng nguy hiểm hơn rất nhiều. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý nguồn nước cũng như việc đảm bảo an ninh nguồn nước.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, việc quy hoạch phát triển, đầu tư các dự án ở vùng đầu nguồn các sông lớn cần được xem xét cẩn trọng để tránh tác động xấu đến nguồn nước. Việc đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy cần đi đôi với việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Điều này không chỉ tăng khả năng thu hút đầu tư mà còn ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, việc quy hoạch, phát triển cần gắn với nhu cầu sử dụng nước và xử lý nguồn nước thải. Nếu không làm tốt, nguy cơ thiếu nước sản xuất, ô nhiễm nguồn nước là điều được cảnh báo trước. Đi kèm với đó là dịch bệnh, mất mùa, không chỉ gây tổn thất cho người dân mà còn tác động xấu đến việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, quốc gia.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

Đó là chủ đề buổi đối thoại trực tuyến trao đổi và tháo gỡ trên Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế giữa UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo các sở, ngành với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra sáng 31/10.

Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

TIN MỚI

Return to top