ClockThứ Tư, 05/07/2017 06:31

Đan viện Thiên An xây dựng các công trình không phép một cách hệ thống

TTH - Đan viện Thiên An (ĐVTA) ở xã Thủy Bằng (Hương Thủy) liên tục tiến hành xây dựng nhiều công trình trên phần đất thuộc sự quản lý của Nhà nước, xây dựng công trình tôn giáo chưa được cấp phép; không có giấy phép xây dựng, sai mục đích sử dụng đất. Việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật về đất đai, mà còn vi phạm về xây dựng; gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Ông Nguyễn Viết Củ - một người dân phản ánh những việc làm sai trái của Đan viện Thiên An

Nhiều vi phạm 

Từ tháng 1/2015 đến nay, ĐVTA đã huy động lực lượng, phương tiện máy móc tiến hành xây dựng nhiều công trình không phép trên phần đất nông nghiệp ĐVTA đang sử dụng, lấn chiếm đất do UBND xã Thủy Bằng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Bắt đầu quá trình xây dựng các công trình không phép, sai mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất Nhà nước quản lý của ĐVTA là từ ngày 14 đến 21/1/2015, Đan viện cho dựng mái che, đổ bê tông tại đồi Đức Mẹ, phía trên lợp tôn tại đất rừng đặc dụng cảnh quan tiểu khu 153 xã Thủy Bằng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý. Quá trình thi công, Đan viện đã cơi nới thêm diện tích xung quanh tượng Đức Mẹ khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền. Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong phối hợp với UBND xã Thủy Bằng lập biên bản, đề nghị dừng việc thi công, nhưng phía ĐVTA vẫn không dừng lại và không ký vào biên bản. Tại hiện trường, lực lượng bảo vệ rừng công ty cùng với chính quyền địa phương chuẩn bị tháo dỡ phần cơi nới, nhưng các Đan sĩ ĐVTA tổ chức quay phim, chụp ảnh, “đe dọa” đưa lên mạng internet...

Tiếp đó, ngày 15/4/2015, qua kiểm tra, UBND xã Thủy Bằng phát hiện ĐVTA cố tình xây dựng nhà trái phép trên thửa đất số 43, thuộc tờ bản đồ 09, đất sản xuất nông nghiệp, hiện trạng trên đất Đan viện đang trồng cây chè và cây keo lai với chiều dài 11 mét, rộng 7,5 mét, kết cấu cột kèo bằng sắt, mái lợp ngói, trụ móng đổ bê tông, nền đất. Tại thời điểm phát hiện việc xây dựng trái phép có Linh mục Nguyễn Huyền Đức, Đan sĩ Cao Đức Lợi, Đan sĩ Võ Văn Giáo… Theo báo cáo số 25/BC/UBND, ngày 16/4/2015 của UBND xã Thủy Bằng về việc ĐVTA dựng nhà trên đất sản xuất nông nghiệp thì phía ĐVTA trình bày: “Chúng tôi dựng nhà đó là sai phạm, xin lỗi chính quyền. Chúng tôi dựng nhà đó mục đích để giữ đất…”.

Ngày 25/2/2016, ĐVTA đã tự ý cơi nới nhà và công trình vệ sinh xung quanh khuôn viên nhà tứ giác dựng trái phép trên phần đất nông nghiệp do ĐVTA sử dụng. Không lâu sau đó, ĐVTA dựng trụ sắt làm mái che để trồng rau màu mà không xin phép cấp có thẩm quyền. UBND xã Thủy Bằng đã lập biên bản, yêu cầu ngưng dựng mái che, đề nghị lập thủ tục xin phép theo quy định, nhưng đến nay, phía ĐVTA không chấp hành mà còn tiếp tục tiến hành hoàn thiện mái che.

Theo quan sát của chúng tôi, một phần mái che này đã lấn ra đường dân sinh và phòng cháy, chữa cháy rừng khoảng hơn 1 mét. Một số cây bạch đàn lâu năm sát nhà tứ giác được xác định là mốc ranh giới giữa đất nông nghiệp mà ĐVTA đang sử dụng với đất do chính quyền địa phương và ngành chức năng quản lý cũng đã bị chặt bỏ phần ngọn.

Tiếp đến, đầu tháng 8/2016, ĐVTA đã tiến hành cơi nới một ngôi nhà ở vườn sắn, dựng một nhà rường ở vườn cam với diện tích khoảng 30m2 trên phần đất nông nghiệp mà ĐVTA đang sử dụng, nhưng không xin phép chính quyền địa phương. ĐVTA tiếp tục dựng một ngôi nhà rường với diện tích rộng 5 mét, dài 7 mét và dựng 1 bể nước tại khu vực 64 cây thông (do UBND xã Thủy Bằng quản lý) bị những kẻ giấu mặt đốn hạ trước đó…

Mới đây nhất, từ 25/4 đến 30/5/2017, ĐVTA liên tiếp đào múc đất, phá đường dân sinh, phòng cháy, chữa cháy rừng nối thôn Cư Chánh 1 và thôn Kim Sơn; tự ý đào múc đất làm thay đổi hiện trạng tại thửa đất số 16, tờ bản đồ 08, diện tích 5699,8m2 do UBND xã Thủy Bằng quản lý tại khu vực đồi có 64 cây thông đã bị những kẻ giấu mặt chặt phá trước đó. Ngoài ra, ĐVTA thường xuyên có các vi phạm về pháp luật lâm nghiệp như: Rào hàng rào tạm bằng cọc gỗ để lấn chiếm đất, đào mương cơi nới diện tích đất, phát thực bì làm hàng rào tạm…

Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng thông tin: “Hơn 50 lần chính quyền địa phương và ngành chức năng lập biên bản về những sai phạm của ĐVTA, nhưng hầu hết đại diện ĐVTA không ký vào biên bản, còn tỏ thái độ thiếu hợp tác”.

Đan viện Thiên An xây nhà tứ giác trái phép trên phần đất nông nghiệp

Vi phạm về lĩnh vực xây dựng

Mới đây, tại buổi làm việc với chúng tôi, Đan sĩ Cao Đức Lợi (tự giới thiệu là linh mục) cho rằng: “Đất Thiên An là đất tôn giáo. Mà đất tôn giáo là đất phi nông nghiệp. Vì vậy, chúng tôi có quyền xây dựng mà không cần phải chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng. Luật nói, xây dựng các công trình chịu lực lớn mới xin cấp phép xây dựng, mà chúng tôi có làm cái gì lớn đâu?” .

Theo ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng, những công trình ĐVTA thực hiện trong thời gian qua được xác định đều là các công trình xây dựng. Theo khoản k, Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014, các công trình ở ĐVTA không nằm trong quy định được miễn giấy phép xây dựng vì khu vực ĐVTA nằm trong điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ- TTg, ngày 6/5/2014. Hơn nữa, theo Thông tư số 15/2016/TT – BXD, ngày 30/6/2016 hướng dẫn về cấp phép xây dựng có quy định, đối với công trình tín ngưỡng buộc phải có hồ sơ cấp phép. Hồ sơ cấp phép xây dựng phải có đầy đủ các loại giấy tờ, thủ tục cần thiết để chứng minh quyền sử dụng đất. Việc ĐVTA không xin giấy phép xây dựng mà vẫn tiến hành xây dựng là vi phạm về lĩnh vực xây dựng. Nếu xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là vi phạm pháp luật về đất đai.

“Qua những lần ĐVTA có hành vi xây dựng, lấn chiếm đất trái pháp luật trên phần đất của công ty, chúng tôi đã tăng cường lực lượng để quản lý; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, đề nghị cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết và xử lý vụ việc. Hiện nay, việc xây dựng lấn chiếm đất trái pháp luật tại khu rừng đặc dụng tại tiểu khu 153, xã Thủy Bằng vẫn đang được chúng tôi theo dõi, không để phát sinh phức tạp”, ông Tôn Thất Ái Tín, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong cho biết. 

Bài, ảnh: Tâm Anh

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

TIN MỚI

Return to top