ClockThứ Sáu, 06/11/2020 13:33

Đánh giá đúng, quản lý chặt thủy điện

TTH - Mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất ở miền Trung những ngày vừa qua, gây ra những hậu quả nặng nề, cướp đi sinh mạng của hàng chục cán bộ, chiến sĩ, người dân, nhiều người vẫn đang mất tích khiến nghị trường Quốc hội những ngày vừa qua “nóng” lên vấn đề thủy điện và bảo vệ rừng.

Tạm ngừng thi công nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3Gần 100 triệu đồng hỗ trợ nạn nhân vụ thủy điện Rào Trăng 3

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở quy mô khác nhau với công suất phát điện là 20.000 MW, chiếm 37% công suất phát điện của đất nước. Ngoài đóng góp quan trọng trong cơ cấu điện, thủy điện còn có tác dụng cắt giảm và điều tiết lũ... Tuy vậy, Bộ trưởng Công thương cũng thừa nhận có những tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của Nhân dân.

Giải trình của bộ trưởng chỉ rõ cả mặt tích cực và mặt hạn chế của điện. Vấn đề, “tùy thuộc quản lý và chính sách để xử lý các vấn đề liên quan”. Đây chính là vấn đề cần quan tâm trong phát triển thủy điện để vừa khai thác được nguồn tài nguyên sạch dồi dào, vừa đảm bảo hài hòa trong phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tác động xấu từ thủy điện.

Thực tế, bản thân thủy điện không sinh tạo ra nước và cũng không lấy đi nguồn nước của bất cứ con sông nào. Theo nguyên tắc, thủy điện sẽ tích nước khi lượng nước từ các lưu vực sông đổ về nhiều phục vụ phát điện. Chuẩn bị bước vào mùa mưa, các thủy điện đều xả đưa nước trong hồ về mức nhất định để phục vụ cắt lũ. Mùa khô, khi lượng nước đổ về ít thủy điện sẽ tham gia điều tiết nước phục vụ nhu cầu chống hạn, đẩy mặn, cấp nước sinh hoạt. Nếu thực hiện đúng quy trình vận hành được phê duyệt thì các thủy điện góp phần cắt đỉnh lũ, cứu hạn, đẩy mặn.

 Ở Thừa Thiên Huế, điều này thực hiện khá tốt khi các đợt lũ lụt vừa qua, lưu lượng xả các hồ chứa đều thấp hơn lưu lượng nước về hồ, góp phần cắt đỉnh lũ, giảm ngập cho thành phố. Về mùa hè, các hồ chứa tham gia tích cực phục vụ tưới tiêu, đẩy mặn. Rõ nhất là người dân thành phố Huế không còn chịu cảnh “đói” nước ngọt khi nước mặn xâm nhập trên sông Hương như trước đây.

Nguyên tắc là vậy, nhưng các chủ hồ đều có tâm lý muốn tích lượng nước nhiều nhất có thể để tăng công suất phát điện nên không thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được phê duyệt. Điều này dẫn đến tình trạng xả lũ ồ ạt khiến lũ chồng lũ, gây sạt lở vùng hạ du ở một số nơi, khiến dư luận bức xúc.

Một “tội” khác của thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ là tăng tốc độ tàn phá rừng. Bởi các công trình thủy điện hầu hết nằm ở vùng núi rừng hiển trở, độ dốc lớn. Để xây dựng công trình phải xẻ núi mở đưởng, bạt núi ngăn sông xây dựng công trình, hồ chứa “nuốt” nhiều diện tích rừng. Chưa kể, một số nơi các chủ đầu tư lợi dụng điều này để khai thác gỗ bừa bãi. Hệ lụy, không chỉ mất trắng nhiều diện tích rừng mà có nơi rừng vẫn xanh, nhưng rỗng ruột.

Trước thực tế này, từ năm 2016, ngành công thương đã đưa chỉ tiêu tuyệt đối không bổ sung bất kỳ dự án thủy điện nào nếu có sử dụng diện tích đất rừng tự nhiên. Bộ đã đưa ra khỏi quy hoạch của thủy điện 472 dự án nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động đến thiên tai bão lũ. Tuy nhiên, một số thủy điện nhỏ vẫn “thoát”, tiếp tục triển khai nhờ được phê duyệt trước thời điểm trên.

Phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường là định hướng, nguyên tắc phát triển của nước ta hiện nay. Vì vậy, cần rà soát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là việc ảnh hưởng đến diện tích rừng của các dự án thủy điện để điều chỉnh phù hợp, thậm chí đình chỉ đầu tư xây dựng nếu có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Return to top