Trong nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ luôn quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đồng thời yêu cầu người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nếu lơ là để dịch bệnh xảy ra thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, từ người đứng đầu chính phủ, các địa phương, đơn vị đến từng cán bộ, công chức, viên chức luôn nỗ lực hết mình, không quản ngại nguy hiểm góp sức vào công tác phòng chống dịch. Nhờ vậy nước ta đã khống chế dịch thành công giai đoạn đầu với gần 100 ngày không xuất hiện dịch trong cộng đồng. Khi dịch COVID-19 tái bùng phát, tinh thần đó tiếp tục được phát huy với mức độ cao hơn, quyết liệt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức lơ là với công tác chống dịch, như trường hợp của chủ tịch UBND và trưởng trạm y tế của một phường ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Với người dân, không ít trường hợp bị xử phạt hành chính về các vi phạm trong phòng chống dịch, đưa tin sai lệch, không kiểm chứng trên mạng xã hội.
Trong tình hình chống dịch “nước sôi, lửa bỏng” như hiện nay, việc xử lý kịp thời các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, người dân là cần thiết và có tính răn đe. Tuy nhiên, để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương và đơn vị thì việc xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm cần trở thành hoạt động thường xuyên, nề nếp và hiệu quả.
Thực tế, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đều được các cơ quan, đơn vị tiến hành hàng năm. Tuy nhiên, việc này không phải cơ quan, đơn vị nào cũng làm nghiêm túc. Vẫn có trường hợp không bám sát các quy định, cụ thể hóa các tiêu chí gắn với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị hoặc xuê xoa, cả nể, dĩ hòa vi quý…
Những hạn chế đó sẽ được khắc phục khi Nghị định 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8.
Theo Nghị định, tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: Chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc xếp loại chất lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ quy định rõ các tiêu chí đánh giá, nghị định còn “lượng hóa” các tiêu chí có thể thống kê, đánh giá được như mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Việc cần làm đối với các cơ quan, đơn vị là nắm vững quy định, cụ thể hóa các tiêu chí phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị và kiểm tra đánh giá khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức. Đối với từng cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên rèn luyện, “tự soi, tự sửa”, nêu cao vai trò, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hoàn thành tốt hiệm vụ được giao.
Hoàng Minh