Theo các Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), sau sáu năm triển khai thi hành Pháp lệnh GĐTP, công tác nàyđạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thi hành pháp lệnh cho thấy, công tác GĐTP bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được khắc phục sớm. Hơn thế, những hạn chế, yếu kém của công tác GĐTP trong một số lĩnh vực đang trở thành “điểm nghẽn” làm ách tắc nhiều hoạt động tố tụng.
Đánh giá kết quả công tác tư pháp của Thừa Thiên Huế năm 2012 trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Dương Quang Tương khẳng định, các tổ chức GĐTP, như: Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh, các trung tâm Giám định Pháp y tỉnh và Giám định Pháp y tâm thần với 51 giám định viên thực hiện hơn một ngàn vụ việc đáp ứng yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị của các tổ chức GĐTP đa phần còn thiếu thốn, lạc hậu. Đội ngũ giám định viên tư pháp thiếu về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu. Các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của công tác tư pháp năm 2013 đối với quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp là tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP”.
Để tổ chức triển khai thực hiện và thi hành nghiêm túc Luật GĐTP cũng như quyết định ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật này của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa vừa ký Chỉ thị 14/2013/CT-UBND của UBND tỉnh triển khai thực hiện Luật GĐTP. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho cơ quan này tổ chức triển khai thực hiện Luật GĐTP và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phù hợp. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các cơ quan tiến hành tố tụng trong tổ chức, hoạt động GĐTP và quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, đáp ứng kịp thời, có chất lượng mọi yêu cầu GĐTP trong hoạt động tố tụng, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương trước đây liên quan đến các quy định của Luật GĐTP để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp. Mặt khác, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế, Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành chức năng củng cố, kiện toàn các tổ chức GĐTP công lập thuộc thẩm quyền quản lý, bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện GĐTP và các điều kiện vật chất cần thiết khác cho các tổ chức này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đồng thời, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đề nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp với Luật GĐTP...