Không phải đến bây giờ mà từ khi chưa có thị trường lao động thì đã có những cuộc di cư diễn ra. Giờ, dòng chảy ấy vẫn diễn ra bất tận. Di cư từ nơi này qua nơi khác, từ nước này sang nước khác. Một nguyên lý dường như không thay đổi đó là – chảy từ nơi có thị trường lao động kém phát triển sang những nơi có thị trường lao động phát triển. Tức là, nơi có nhiều công ăn việc làm và thu nhập cao hơn.
Trên thế giới hiện nay đang diễn ra những cuộc “đại di cư” từ Bắc Mỹ qua châu Âu mà chúng ta nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ hàng ngày. Lý do vì bất ổn trong nước cũng có, nhưng phần lớn là đi tìm kiếm việc làm, nghĩa là lý do kinh tế. Các nước giàu có ở châu Âu là nơi đón nhận những dòng người di cư nhiều nhất.
Đối với Việt Nam một con số thống kê cho biết, hiện có 140.000 người đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài và cả triệu kiều bào định cư ở nước ngoài. Năm 2018, họ đã chuyển về nước một lượng kiều hối khoảng 18,9 tỷ USD.
Giờ chúng ta xem thử tình trạng di cư ở trong nước và ở Thừa Thiên Huế như thế nào. Nó luôn luôn diễn ra theo sự phát triển của thị trường lao động. Có lúc “nhỏ giọt” nhưng cũng có lúc dữ dội. Thừa Thiên Huế đã có những cuộc di cư, nhiều nhất là lên Tây Nguyên, vào miền Nam mà nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ. Có rất nhiều “làng Huế” được thành lập ở Tây Nguyên. Người di cư, nhìn chung là thành đạt trong làm ăn kinh tế. Để lý giải cho được điều này cần có những luận cứ mang tính khoa học, song có một nguyên nhân dễ nhận thấy là ở những nơi đó, điều kiện làm ăn và thị trường lao động khá phát triển. TP. Hồ Chí Minh trở thành một đại đô thị với mười mấy triệu dân. Chừng ấy người trên một thị trường lao động phát triển đã tạo ra không biết bao nhiêu công ăn việc làm. Đây chính là sức hút của các đô thị phát triển. Chúng ta cũng thấy những khu nhà ở công nhân, những người lao động tự do sống tạm bợ, song họ vẫn cứ bám lấy vì ở đó kiếm được đồng tiền dễ dàng hơn.
Thị trường lao động ở Huế tương đối phát triển, đặc biệt là ngành dệt may. Ảnh: NQ
Còn nhớ cách đây mấy mươi năm, Thừa Thiên Huế cũng đã có những cuộc “di cư” rầm rộ, đó là thời “vào miền Nam may áo gió” xuất khẩu. Nhiều làng quê vắng bóng thanh niên, thiếu nữ. Nhiều năm nay, khi thị trường lao động ở Huế tương đối phát triển, đặc biệt là ngành dệt may thì dòng chảy lao động lại ngược lại. Có thể thu nhập ở Thừa Thiên Huế thấp hơn, nhưng do chi phí thấp nên người lao động có điều kiện nâng cao đời sống và có tích lũy hơn trước.
Cách đây mười năm, trong một cuộc tổng điều tra dân số, người viết bài này lấy làm ngạc nhiên là dân số của Thừa Thiên Huế không tăng mà lại giảm. Họ thường bảo người sinh ra chứ đất không sinh ra! Có phải là người Huế di cư đã tạo nên điều này. Bây giờ thì không biết dân số của Thừa Thiên Huế con số chính xác là như thế nào, nhưng chắc cũng xoay quanh con số trên dưới 1 triệu người!?
Sở dĩ người viết bài này đề cập đến vấn đề di cư là vì, nếu hiểu được quy luật của thị trường lao động, chúng ta sẽ biết thêm được nhiều điều liên quan, riêng chính quyền cũng nhìn vào đó mà hoạch định chính sách. Ví dụ như khi thị trường lao động phát triển, sẽ thu hút rất nhiều người đến đây làm việc. Thế thì việc quy hoạch và phát triển đô thị sẽ như thế nào; xây dựng hạ tầng ra làm sao. Vừa rồi có dịp chuyện trò với Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế, anh cho biết, khi nghe thông tin tỉnh đang có đề án trình Chính phủ mở rộng thành phố Huế tăng gấp 5 lần so với hiện tại, Công ty cũng đang tính toán bước đi của ngành cấp nước như thế nào cho phù hợp với đô thị phát triển. Nếu chỉ có tầm nhìn cho hiện tại thì sau này sẽ lúng túng trong phát triển hạ tầng. Nhưng nếu đầu tư quá cao so với tốc độ phát triển đô thị thì hiệu quả sử dụng đồng vốn không cao. Chỉ với ngành cấp nước thôi đã là một bài toán cần có lời giải phù hợp. Phục vụ cho một đô thị phát triển, tức là thị trường lao động phát triển, không chỉ có nước mà cần bao nhiêu điều khác nữa.
NGUYÊN LÊ