ClockThứ Sáu, 24/04/2020 18:55

Di dân Khu vực 1 Kinh thành Huế: Lịch sử và nghĩa tình - kỳ 3: Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Đây là một cơ hội lịch sử

TTH.VN - Đề án Di dời, giải phóng mặt bằng Kinh thành Huế được xem là cuộc di dân lịch sử. Lịch sử không chỉ về quy mô dân số, diện tích mà còn liên quan đến vấn đề tài chính, cơ chế, chính sách… Trên hết, đó chính là dấu mốc về sự đồng lòng của người dân.
 

 
 

 
 

Dù đang bận rộn với các cuộc họp chỉ đạo chống dịch bệnh COVID-19, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ vẫn không quên đốc thúc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành nhà cho người dân di dời đợt 1 ra khu tái định cư Hương Sơ. Cứ rảnh, ông lại tranh thủ đến thăm từng hộ dân, dẫn dân đi xem đất, tặng quà cho các hộ khó khăn...

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trò chuyện với người dân Thượng Thành. Đề án di dời dân ra khỏi Khu vực 1 Kinh thành Huế, đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ ngành trung ương

Trải lòng với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ - nói rằng, mong muốn của ông là được nhìn thấy tất cả bà con sống ở khu vực 1 Kinh thành Huế hoàn tất việc di dời, về nơi ở mới khang trang hơn, đầy đủ hơn, sung túc hơn. Bởi theo ông: “Bà con đã khổ rồi, vất vả nhiều rồi. Bây giờ, chúng ta phải cùng nhau cố gắng hơn nữa, để cuộc sống bà con ổn định”. 

Cuộc trò chuyện có những lúc chững lại vì xúc động…

Thưa ông, đến thời điểm này, hàng trăm hộ dân đầu tiên đã tự nguyện trả đất di sản và hình hài những ngôi nhà khang trang, kiên cố đang hé lộ ở khu tái định cư Hương Sơ. Để có được dấu mốc này, chắc hẳn không hề đơn giản?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Việc di dời các khu dân cư ở Kinh thành Huế là mong muốn từ lâu của người dân sinh sống nơi ấy cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do quy mô về dân cư, quy mô tài chính, quy mô quỹ đất tái định cư mới quá đồ sộ nên một thời gian dài, chính quyền các thời kỳ cũng chưa chọn được phương án thích hợp.

Tôi nhớ, trước khi có đề án này, tỉnh chúng ta cũng đã thực hiện một số dự án nhỏ di dời dân ra khỏi khu vực phía Nam Kinh thành Huế và đã gặp rất nhiều vướng mắc trong chính sách và cơ chế, dẫn đến, việc di dời dù rất ít dân nhưng kéo dài rất nhiều năm.

 

Dân cư sống ở khu vực 1 Kinh thành Huế phần đông đến đây vào các giai đoạn chiến tranh qua các thời kỳ. Có gia đình có mặt vào những năm 1954, rồi sau đó các năm 1968, 1970, 1972, 1974… Có nhà sống ngay bên trong các di tích, có nhà nằm trôi nổi trên mặt nước. Mọi thứ không hề đơn giản khi đề cập đến di dời. Nó liên quan đến rất nhiều cơ chế đền bù, pháp lý đất đai.

Tình trạng ấy sẽ kéo dài đến bao giờ, nếu từ bây giờ chúng ta không quyết tâm, không hành động. Tôi cho rằng, nguyện vọng di dời đi nơi khác của bà con là vô cùng chính đáng. Nhu cầu chỉnh trang, bảo vệ di sản và phát triển du lịch… cũng rất cấp thiết nên việc di dời đặt ra vào thời điểm này hết sức cấp bách.

 

 

Chúng tôi phải họp rất nhiều phiên để tìm ra kế sách tốt nhất. Trong đó, có phương án vay vốn để giải phóng mặt bằng nhưng không khả thi. Khi tôi được giao nhiệm vụ rà soát, đề xuất những giải pháp di dời, tôi cảm thấy đó là nhiệm vụ vô cùng nặng nề với bản thân, nhưng nhìn người dân như vậy buộc tôi phải suy nghĩ, làm sao phải đạt được mục tiêu: di dân cho bằng được để sớm tái định cư ổn định cho bà con.

Phải nói rằng, cơ may khi tôi lên làm lãnh đạo cao nhất của chính quyền tỉnh thì suy nghĩ ấy đã được hiện thực hóa bằng những quyết sách rõ ràng, cụ thể. Trong đó, phải tranh thủ được sự hỗ trợ từ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Chắc chắn đã có rất nhiều tranh luận về dự án này, thưa ông?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Vấn đề di dời dân ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế không phải thời điểm này mới đặt ra, mà nó được bàn từ trước đó hàng chục năm.

Trong rất nhiều cuộc họp có rất nhiều ý kiến tranh luận, khác nhau về quan điểm. Tôi nhớ, có rất nhiều cuộc họp để rà soát lại phương thức làm và khi đặt ra vấn đề không phải ai cũng đồng thuận. Mục tiêu là di dời, nhưng tiền đâu ra, và còn nữa đó là cơ chế chính sách, trong khi đó nguồn lực tỉnh có hạn. Bản thân Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị sẽ nhận đất sau khi giải phóng mặt bằng thì chưa mặn mà bởi diện tích quá lớn. Còn với UBND TP. Huế - đơn vị đứng ra kiểm kê, di dời, chi trả thì ngại ngùng số lượng dân cư đông đúc. Cơ quan nào cũng lúng túng đặt câu hỏi tiền đâu ra, cả hàng ngàn tỷ cho cuộc di dời. Vì thế, trong gần 20 năm vẫn chưa tìm ra hướng đi.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, dù việc di dời luôn có những rào cản không hề nhỏ như tiền bạc, cơ chế chính sách… nhưng nếu không có sự đồng thuận của bà con sẽ thất bại

Khi tôi lên làm Chủ tịch UBND tỉnh, trải qua 4 cuộc họp, và ở cuối cuộc họp thứ 4, sau rất nhiều thời gian suy nghĩ, tất cả quyết định, đồng lòng thực hiện đề án di dời. Trong đó, xác định lộ trình, khung chính sách và cuối cùng là nguồn lực. Trong quá trình xây dựng đề án đã may mắn gặp, tranh thủ ý kiến của Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Chính phủ khi nghe đã rất ủng hộ, chia sẻ khó khăn của bà con cũng như việc bảo tồn di sản Huế.

Rồi mọi thứ diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Một trong những cái có được là mong muốn, nguyện vọng thiết tha của người dân. Dù việc di dời luôn có những rào cản không hề nhỏ như tiền bạc, cơ chế chính sách… nhưng nếu không có sự đồng thuận của bà con sẽ thất bại.

Nhiều lần gặp tôi, bà con đã chia sẻ rằng “cảm thấy xấu hổ khi sống tạm bợ, lấn chiếm kinh thành, cảm thấy có lỗi với tiên tổ nhưng do hoàn cảnh nên không có điều kiện di dời”.

Đúng như vậy, nhìn cảnh tạm bợ, nhiều gia đình, thế hệ sống trong những căn nhà chật chội, không có điều kiện sửa chữa khiến tôi vô cùng xót xa. Điều đó, đã thôi thúc tôi phải thực hiện đề án, càng nhanh, càng tốt.

Hình hài những căn nhà ở khu tái định cư mới mọc lên vào đầu năm 2020 ở khu tái định cư Hương Sơ. Đó là kết quả rất lớn của cả chính quyền các cấp, và đặc biệt bà con thuộc khu vực di dân

Kết quả như chúng ta đã thấy, qua thời gian, vừa tranh thủ từ trung ương, vừa xây dựng cơ chế chính sách riêng và niềm vui như vỡ òa khi những hộ dân đầu tiên đã di dời khỏi di tích, rồi hình hài những căn nhà ở khu tái định cư mới mọc lên vào đầu năm 2020.

Người dân mừng, vui… cá nhân tôi cũng rất sung sướng, cảm động khi thấy nguyện vọng của bà con thành hiện thực. Đó là kết quả rất lớn của cả chính quyền các cấp, và đặc biệt bà con thuộc khu vực di dân.

Tại sao là khu tái định cư Hương Sơ, mà không phải nơi khác?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Một trong những câu hỏi mà bà con hay hỏi tôi: “Chính sách đền bù có thỏa đáng không? Rồi sẽ đi đâu?”. Câu hỏi ấy của bà con rất thực tế. Tâm lý người Việt Nam chúng ta nói chung, và người Huế nói riêng bao giờ cũng mong muốn ở gần nhất khu vực mình rời đi, nhưng cơ sở hạ tầng đảm bảo, khang trang.

Từ những câu hỏi đó, chúng tôi đã cho khảo sát và chọn khu vực dân cư mới Hương Sơ. Vì sao? Vì địa điểm này không quá xa với nơi di dời, chỉ cách tầm 3km, và nằm trong nội thành Huế. Điều đó, đảm bảo sự kết nối, thuận lợi cho việc học hành, khám chữa bệnh cũng như các vấn đề liên quan khác. Ngoài ra, quỹ đất ở Hương Sơ còn tương đối lớn, đảm bảo cho bà con di dời.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trò chuyện với người dân Thượng Thành trong một lần cùng họ tham quan khu tái định cư Hương Sơ. Ông Thọ khẳng định: “cuộc sống ổn định, công ăn việc làm bà con sẽ được chúng tôi quan tâm”

Bài toán sinh kế cho người dân khi về nơi ở mới cũng đã được tính toán ra sao  thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Chắc chắn rồi! Trong quá trình di dời, sinh kế là bài toán không thể tách rời. Chúng ta phải đánh giá lại thực trạng bà con di dời làm nghề gì. Hầu hết, ở giai đoạn 1 di dời, bà con chủ yếu làm các nghề lao động chân tay như đạp xích lô, bán hàng rong, buôn bán nhỏ… ở nhiều địa điểm khác nhau, chứ không phải nơi họ sinh sống. Vì thế, vị trí di dời từ Thượng Thành – Eo Bầu ra Hương Sơ không ảnh hưởng lắm đến việc mưu sinh. Tôi đã hỏi bà con, nhiều người bảo rằng, họ vẫn duy trì công việc cũ.

 

Tuy nhiên, với mong muốn bà con làm sao có cuộc sống ổn định, chúng tôi đã làm việc và sẽ có tính toán, hướng dẫn để bà con về lâu dài, có thể làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực Hương Sơ. Tôi vẫn tin, trong quá trình di dân, tự thân bà con cũng thay đổi phù hợp với nơi ở mới. Tôi khẳng định, cuộc sống ổn định, công ăn việc làm bà con sẽ được chúng tôi quan tâm.

Dẫn dân đi xem đất tái định cư, đón giao thừa cuối cùng với bà con Thượng Thành, rồi cùng họ khởi công ngôi nhà mới… Người dân dành nhiều thiện cảm đối với ông. Còn bản thân ông, ông nghĩ sao?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Trong quá trình nghiên cứu đề án, rồi trực tiếp đi xuống gặp gỡ bà con, tôi rất cảm thông và chia sẻ nỗi vất vả khi họ phải sống ở không gian chật chội, ba bốn thế hệ trong những ngôi nhà xập xệ… Bản thân tôi thuở ấu thơ từng trải qua nhiều khó khăn nên tôi hiểu những gì bà con đối mặt.

 

Quan điểm của tôi: “Hạnh phúc của người dân là điều quan trọng nhất của người lãnh đạo”. Quan điểm này gắn với mọi việc làm của tôi trong cuộc di dân lịch sử.

Suy nghĩ ấy thôi thúc tôi làm bằng mọi cách, mọi giải pháp, tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện đề án di dời này. Thông qua những lần tiếp xúc ấy, tôi cũng đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để có những điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp. Qua đó, cũng giám sát việc vào cuộc của hệ thống chính trị địa phương.

Tôi xem mình như con dân của Thượng Thành – Eo Bầu. Và, tôi thuộc rất nhiều tên bà con, ngõ ngách ở đó. Có những đứa trẻ quá quen thuộc khi gặp tôi kêu lên “ôn Thọ”, hay những cụ già, thanh niên gọi tên “anh Thọ, bác Thọ”. Tôi cảm ơn khi bà con đã dành tình cảm ấy cho tôi. Những tình cảm chân thành, niềm tin tưởng ấy của bà con đã tiếp sức cho tôi, thôi thúc tôi không ngừng khi thực hiện đề án di dân. 

Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất trong quá trình tiếp xúc, và thực hiện đề án này?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Có hai câu chuyện khiến tôi nhớ mãi. Đầu tiên, đó là đợt Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào làm việc với tỉnh. Sau đó, tôi dẫn chị đi thăm các hộ dân Thượng Thành. Ở đó, tôi và chị Ngân chứng kiến hoàn cảnh của một chàng trai trẻ làm nghề thợ hồ, cuộc sống không mấy thuận lợi. Vợ bỏ đi, anh ấy nuôi ba con nhỏ, trong đó có một cháu mắc bệnh tâm thần, cả bốn cha con sống trong một túp liều xập xệ, được che mấy tấm tôn. Hình ảnh ấy khiến tôi rất buồn khi trên địa bàn TP. Huế, vẫn còn những hoàn cảnh, gia đình như thế.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trò chuyện, động viên người dân di dời từ Thượng Thành ra khu tái định cư Hương Sơ. Ông Thọ tâm sự “bản thân tôi thuở ấu thơ từng trải qua nhiều khó khăn nên tôi hiểu những gì bà con đối mặt”

Sau chuyến đi đó, tôi đã nghĩ ra cơ chế riêng, dành cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thật sự và không có điều kiện để xây nhà ở khu tái định cư. Đó là huy động nguồn hỗ trợ, xây dựng nhà theo dạng chìa khóa trao tay, đầy đủ tiện nghi, kinh phí trên dưới 200 triệu đồng. Tháng 4 và 5 này sẽ có những người đầu tiên nhận ngôi nhà mới. Và anh ấy nằm trong số những người được nhận nhà.

Câu chuyện thứ hai khiến tôi không bao giờ quên đó là cụ bà mà tôi đã gặp trong đêm Giao thừa khi đón năm mới cùng bà con Thượng Thành. Cụ bà ngoài 90 tuổi nhưng vô cùng minh mẫn. Khi gặp tôi, bà xúc động khi ước mơ có một ngôi nhà khang trang cuối đời cũng thành hiện thực. Bà nói rằng: “Đời mệ khổ lâu rồi, nhưng con cháu mệ cần có một ngôi nhà”. Nghe câu ấy, tôi cảm động bởi người già như bà mà vẫn luôn đau đáu, nghĩ đến thế hệ con cháu, tương lai.

Không xa nữa, Thượng Thành trở về đúng nghĩa với vai trò công trình lịch sử, một di sản nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế. Vậy, việc trùng tu, tôn tạo cũng phải được tiến hành một cách kỹ lưỡng?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ là đơn vị quản lý đất đai sau khi giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế theo từng giai đoạn sẽ có những kế hoạch cụ thể. Quan trọng, phải suy nghĩ sao để phát huy thật tốt giá trị di sản này.

Nhắc đến chuyện này, trong một lần đi kiểm tra quá trình di dời của bà con tôi đã rất ấn tượng khi phát hiện ra một hầm, có lẽ là hầm thuốc súng dùng bảo vệ kinh thành nằm ngay trong nhà dân. Trong hầm có rất nhiều hoa văn, họa tiết và được bà con gìn giữ, cho thấy họ rất ý thức trong việc bảo tồn văn hóa mà cha ông ta đã để lại.

 

Rồi đây Thượng Thành sẽ trở về đúng vai trò di sản không thể tách rời trong Quần thể Di tích Cố đô Huế với các phương án bảo tồn, phục hồi để phát huy giá trị, tạo nên điểm nhấn du lịch hấp dẫn

Thời điểm này, nếu nói khai thác du lịch Thượng Thành còn quá sớm, nhưng chắc hẳn các phương án khai thác, phát triển kinh tế này đã được tính tới, thưa ông?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Tôi cho rằng, có ba mục tiêu lớn cho đề án di dời này: Trả lại kinh thành để bảo tồn, phát huy giá trị di sản; trả lại cảnh quan, thiên nhiên và môi trường của đô thị Huế; tạo điểm du lịch lớn, ấn tượng.

Riêng phát triển kinh tế, du lịch, đây là vấn đề lớn, cần tiếp tục được nghiên cứu. Nhưng cơ bản, chúng ta có thể hình dung ra những tour tuyến để phục vụ cho du lịch như xây dựng những vườn hoa lớn trên Thượng Thành, tạo nên những con đường rợp bóng mát để du khách có thể dạo bộ hay đạp xe và ngắm Kinh thành cổ kính, uy nghi. Xa xa, hệ thống hồ quanh Kinh thành Huế cũng vô cùng độc đáo, có thể khai thác loại hình du lịch chèo thuyền, ngắm cảnh…Tôi tin, nếu quyết tâm thì không khó. Về việc này, sẽ mời các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vào cuộc cùng chung tay để phát huy giá trị di sản, tạo thành điểm đến, thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn của Huế.

Ông từng đi “xin” tiền nhiều nơi để giúp bà con nghèo khó khăn xây nhà khi ra khu tái định cư? Mỗi lần như vậy, ông có ngại không?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: (Cười). Nơi nào mình xin được cứ xin. Xin cho dân thì không có gì mà phải ngại. Nghe tôi trình bày, nhiều đơn vị ủng hộ, cho ngay.

 

Rồi mai kia người dân vào nhà mới, chắc phải có món quà chúc mừng nữa chứ, thưa ông?

- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Có chứ! Mình lại tiếp tục đi “xin”, kêu gọi ủng hộ thôi. Nhà nào có con nhỏ mình tặng cái bàn học cho các cháu. Vợ chồng nào mới cưới thì tặng cái giường, hay cái tủ. Hay đơn giản hơn là bộ ấm chén. Tất cả chỉ là tượng trưng mà thôi, chứ hơn ai hết, bà con hiểu tấm lòng của chúng tôi, của chính quyền mà.

 

 

>> Di dân Khu vực 1 Kinh thành Huế: Lịch sử và nghĩa tình - kỳ 2: Để Thượng thành trở về với vai trò di sản

>> Di dân Khu vực 1 Kinh thành Huế: Lịch sử và nghĩa tình - kỳ 1: Trả lại đất cho di sản

 

Nội dung: PHAN THÀNH

Hình ảnh: PHAN THÀNH-THANH HƯƠNG

Thiết kế: QUANG THIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra

Phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Việc đặt ra những chính sách kịp thời, phù hợp hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách sử dụng người tài Lịch sử và vấn đề đặt ra
Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách

Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; đối tượng chính sách ổn định cuộc sống hơn nhờ vào nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Điền.

Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách
Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật

Ngày 15/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, hội, địa phương tổ chức "Hội thi Văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật (NKT) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024" với chủ đề "Kết nối yêu thương". Hội thi với sự góp mặt của các đội văn nghệ đến từ Hội NKT của 6 địa phương đăng ký tham gia.

Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật
Return to top